Các cơ sở chạy thận nhân tạo ở Lạng Sơn: Tự tin, trách nhiệm trong phục vụ bệnh nhân
(LSO) – Quan tâm đến chất lượng máy móc và vật tư y tế, tuân thủ đúng quy trình, trong nhiều năm qua, các cơ sở chạy thận nhân tạo trên địa bàn Lạng Sơn đã thực hiện hàng vạn ca lọc máu an toàn, tạo sự tin tưởng cho bệnh nhân và người nhà của họ…
Nâng cao năng lực trang thiết bị, máy móc
Hiện toàn tỉnh có 3 cơ sở chạy thận nhân tạo với 46 máy, điều trị lọc máu chu kỳ cho 302 bệnh nhân. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) có 23 máy với 194 bệnh nhân, Bệnh viện Hữu Lũng có 12 máy với 45 bệnh nhân và Bệnh viện Bắc Sơn có 11 máy với 63 bệnh nhân. Do mới lắp đặt và đưa vào sử dụng trong những năm gần đây nên 23 máy của 2 bệnh viện huyện vẫn trong tình trạng còn mới và phát huy tốt hiệu quả. Triển khai và đưa vào sử dụng từ năm 2010 và được bổ sung vào những năm tiếp theo, đến nay, tất cả 23 máy của BVĐK vẫn hoạt động tốt; tuy nhiên, số bệnh nhân đông, máy móc phải sử dụng hết công suất từ 4 đến 5 ca mỗi ngày đêm, nên không tránh khỏi việc phải dừng một vài máy để bảo dưỡng duy tu. Về các thiết bị vật tư hóa chất tiêu hao, thuốc men, dịch truyền… do thực hiện đấu thầu cung ứng tại Sở Y tế nên đã đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Ngoài ra, các cơ sở còn chủ động mua sắm các thiết bị phụ trợ chuyên dùng.
Điều dưỡng viên trưởng Vy Thị Thu Hằng, Khoa Tiết niệu, lọc máu BVĐK tỉnh trong ca trực kỹ thuật
Bác sĩ Phan Thanh Huy, Giám đốc BVĐK cho biết, ngay sau khi có thông tin nguyên nhân gây ra sự cố y khoa tại Hòa Bình và gần đây là Nghệ An, song song với việc mua sắm thêm những thiết bị chuyên dùng để thay thế, bổ sung, bệnh viện đã nghiêm túc rà soát, kiểm tra lại quy trình, nhất là đảm bảo vật tư hóa chất, chất lượng nước RO dùng trong việc chạy thận.
Bác sĩ Đỗ văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: “Máy móc tốt, vật tư hóa chất qua đấu thầu đảm bảo chất lượng. Nhân lực được đào tạo bài bản, thực hiện đúng quy trình…, từ năm 2013 đến nay, trung tâm đã thực hiện trên 50 ngàn ca chạy thận an toàn tuyệt đối”.
Đội ngũ cán bộ y tế có trình độ và trách nhiệm
Để triển khai chạy thận nhân tạo, các bệnh viện đã lựa chọn những cán bộ thầy thuốc có năng lực, nhiệt tình với đức tính chu đáo, cẩn thận để gửi đi đào tạo tại các bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Việt Đức…Sau đào tạo, thực tập và được cấp chứng chỉ chuyên môn, đội ngũ kỹ thuật viên đã có thời gian làm việc liên tục và ngày càng tinh thông về nghiệp vụ.
Điều dưỡng viên trưởng Vy Thị Thu Hằng, Khoa Tiết Niệu- Lọc máu BVĐK cho biết: Chạy thận nhân tạo là thực hiện một loạt kỹ thuật phức tạp song cũng không quá khó; theo ca, kíp, các kỹ thuật viên vượt qua “sức ép” về quá tải bệnh nhân, tuân thủ quy trình chạy thận đã được duyệt. Khi kết thúc ca trước, bước vào ca sau, anh chị em thực hiện nghiêm túc từ khâu chuẩn bị máy, dịch lọc, hệ thống xử lý nước, quả lọc, dây máu, kim chọc, các loại hóa chất chống đông, hộp chống sốc phản vệ đến quy trình vận hành, hồ sơ bệnh án và quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận. Những công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo, sự tận tâm, trách nhiệm và phải vô cùng thận trọng. Không vì quá tải mà tắc trách, bỏ qua quy trình; đơn giản vì nếu không theo quy trình sẽ không vận hành được. Chính việc thực hiện tuần tự theo quy trình đã tăng sự tự tin cho đội ngũ trực máy, tạo niềm tin cho bệnh nhân.
Trong những năm qua, với hàng chục ngàn ca chạy an toàn, các cơ sở thận nhân tạo từ tỉnh đến huyện đã khẳng định tính chuyên nghiệp, việc làm chủ kỹ thuật của mình. Tuy nhiên, không vì vậy mà chủ quan; sự cố đáng tiếc tại Hòa Bình và Nghệ An là những bài học đau đớn của ngành y tế về quy trình, thực hiện quy trình; về những thiếu sót, sơ hở trong kiểm tra, đánh giá ở một vài khâu trong cả quy trình phức tạp liên quan đến nhiều kỹ thuật, nhiều người, nhiều bộ phận. Từ những sự cố này, mỗi cơ sở chạy thận nhân tạo của Lạng Sơn tự nhìn nhận và đánh giá lại mình một cách nghiêm khắc nhất, toàn diện nhất nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()