Các cơ quan tư pháp góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn
LSO – Trong nhiệm kỳ 2004-2011, các cấp, các ngành đều có chung đánh giá, nhận định: trên địa bàn tỉnh, tình hình chính trị, xã hội tiếp tục ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH của địa phương.
Đạt được kết quả nêu trên là do: Hàng năm, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng, chống tội phạm được các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan tư pháp của tỉnh tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm, không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự và tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen. Xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác cải cách tư pháp, trọng tâm là nâng cao chất lượng khởi tố, điều tra, thực hành quyền công tố, công tác xét xử, việc tăng thẩm quyền xét xử ở cấp huyện. Công tác quốc phòng, an ninh được thường xuyên củng cố vững chắc, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Trong nhiệm kỳ, các cơ quan chức năng đã khởi tố xử lý về hình sự 4.090 vụ, 6.338 bị can, kết thúc điều tra đề nghị truy tố đạt 94,7% số vụ (3.878 vụ, 6.186 bị can). Tình hình phạm pháp hình sự có chiều hướng giảm, số vụ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được điều tra làm rõ chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra được tuân thủ theo luật định. Hệ thống nhà tạm giữ, tạm giam cơ bản đáp ứng được yêu cầu, chế độ giam giữ, cải tạo, giáo dục người chấp hành hình phạt tù đảm bảo đúng quy định. Công tác ân giảm, đặc xá hàng năm được triển khai thường xuyên. Tai nạn giao thông trong năm 2010 đã giảm được cả 3 tiêu chí.
Công tác quản lý và xử lý tin tố giác tội phạm được ngành kiểm sát phối hợp xử lý kịp thời. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp được thực hiện tích cực, đã giải quyết án đạt 99,2% số vụ phải giải quyết. Viện kiểm sát nhân dân chủ trì phối hợp với các ngành công an, tòa án xác định được 188 vụ án trọng điểm. Phối hợp với tòa án tổ chức xét xử lưu động được 135 phiên tòa. Thực hiện thường xuyên công tác kiểm sát trên các lĩnh vực bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra, xét xử, thi hành án. Thực hiện tốt thẩm quyền kháng nghị đối với các bản án, quyết định của tòa án và các sai sót khác khi phát hiện có sai phạm.
Công tác xét xử và giải quyết các loại án của ngành tòa án có nhiều cố gắng, đã giải quyết các loại án hình sự, dân sự, hành chính, thương mại đạt 92,3% số vụ thụ lý (9.443/10.225 vụ). Thực hiện tốt công tác phối hợp giải quyết án trọng điểm, tích cực tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Chất lượng xét xử và giải quyết các loại án so với nhiệm kỳ trước đã được nâng lên, tỷ lệ án bị cải sửa, hủy giảm dần.
Công tác thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả thi hành hàng năm đạt trên 80% số việc và 70% số tiền đối với những vụ việc có điều kiện thi hành. Đặc biệt, trong năm 2010, đã tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm 209/502 vụ việc tồn đọng lâu năm tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Lạng Sơn…
Cùng với đó, công tác tiếp công dân được các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc theo luật định. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tập trung chỉ đạo giải quyết tích cực, đặc biệt đã chú trọng công tác đối thoại với người trực tiếp khiếu nại, tố cáo. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp, các ngành đã tiếp 24.561 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo. Tiếp nhận 9.081 đơn thư, đã giải quyết được 1.935 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Kết quả giải quyết cơ bản đảm bảo được quyền lợi của người khiếu kiện. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo trên các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cán bộ, công chức. Củng cố, nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, đến nay đã có những chuyển biến rõ nét. Công tác tự kiểm tra, rà soát các văn bản pháp quy, thẩm định dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định được tiến hành thường xuyên, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế ở địa phương.
Ý kiến ()