Các cơ quan tố tụng nghiêm túc nhận lỗi vì án oan sai
Ngày 5-6, trong phiên thảo luận về tình hình oan, sai trong việc áp dụng về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, trưởng ngành của ba cơ quan tố tụng gồm Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án sát đã nghiêm túc thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc để án oan sai.
*Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang:
Tư tưởng chủ quan, nóng vội của điều tra viên dẫn đến oan sai
Ảnh: VGP.
Trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội có nêu việc bắt tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải để xử lý hành chính và coi đó là thiếu sót, vi phạm của cơ quan điều tra. Theo tôi, vấn đề này cần được đánh giá dưới góc độ cơ quan điều tra có áp dụng đúng pháp luật hay không, chứ không phải nhiều hay ít. Ít nhưng áp dụng sai pháp luật cũng không được. Với tinh thần tấn công không bỏ lọt tội phạm, cơ quan điều tra các cấp đã chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng có cơ hội thực hiện các hành vi phạm tội. Lệnh bắt tạm giữ hình sự, tạm giam đều được Viện kiểm sát cùng cấp xem xét phê chuẩn.
Trong quá trình điều tra, ngoài việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, cơ quan điều tra còn chú trọng thu thập chứng cứ chứng minh sự vô tội hoặc tính chất mức độ hành vi của bị can theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Qua đó, nhiều vụ án bị can đã được đình chỉ điều tra chuyển xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Vừa qua, khi xảy ra các vụ gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai, để ổn định tình hình và bảo đảm an ninh trật tự, cơ quan điều tra đã bắt, tạm giữ hình sự hàng trăm đối tượng. Nhưng sau khi điều tra, xác minh, phân loại, đánh giá về tính chất mức độ, hành vi, đã chuyển xử lý hành chính nhiều đối tượng và chỉ đưa ra truy tố xét xử một số ít đối tượng.
Liên quan đến bức cung, nhục hình và nguyên nhân của oan, sai, chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận bên cạnh những thành tích, những kết quả đạt được, mặc dù số vụ oan, sai giảm hằng năm nhưng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm còn một số hạn chế, thiếu sót. Cá biệt, ở nơi này nơi khác còn xảy ra một số vụ oan, sai, thậm chí vẫn còn hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận.
Đối với những trường hợp cán bộ chiến sĩ công an có hành vi vi phạm trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm, quan điểm nhất quán của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an là xử lý nghiêm theo pháp luật. Chúng tôi đã phối hợp với viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm minh các trường hợp đó theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2011 đến nay, đã có 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, đồng thời lãnh đạo chỉ huy các đơn vị để cán bộ chiến sĩ có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp đều bị xử lý trách nhiệm liên đới.
Thí dụ, vụ bắt tạm giam oan bảy người trong vụ án giết người tại Sóc Trăng xảy ra năm 2013, Bộ Công an đã chỉ đạo khởi tố hai điều tra viên về tội nhục hình, xử lý kỷ luật 25 cán bộ của công an tỉnh Sóc Trăng có liên quan.
Về nguyên nhân dẫn đến oan, sai nêu, chúng tôi nhận thấy có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án bị can khởi tố điều tra hằng năm đều tăng, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, trung bình hằng năm cơ quan điều tra các cấp khởi tố gần 80 nghìn vụ án, hơn 120 nghìn bị can, nhưng biên chế lực lượng điều tra còn thiếu. Nhiều cơ quan điều tra, mỗi điều tra viên thụ lý từ 30-50 vụ án mỗi năm, thậm chí có điều tra viên thu lý tới 70 vụ án một năm, gây áp lực lớn đối với cán bộ điều tra, ảnh hưởng đến chất lượng điều tra và xử lý tội phạm.
Thứ hai, một số điều tra viên cơ quan điều tra ở địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc và đòi hỏi yêu cầu công việc cần kết thúc sớm vụ án hoặc do áp lực của dư luận. Cũng có những trường hợp nóng vội vì tư tưởng thành tích, dẫn đến nóng vội trong thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ, chưa coi trọng đầy đủ việc thu thập chứng cứ gỡ tội hoặc chủ quan thỏa mãn khi thấy bị can nhận tội mà không quan tâm đến các chứng cứ gỡ tội khác.
Thứ ba, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ ở các đơn vị địa phương để nhằm phát hiện những sơ hở thiếu sót trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự vẫn chưa được sâu sát và thường xuyên.
Thứ tư, về mặt pháp luật, một số quy định của Bộ luật hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính.
*Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình:
Chúng tôi xin lỗi những người bị oan sai và gia đình họ
Trên thực tế, các cơ quan thi hành tố tụng đã có nhiều hình thức phòng, chống án oan sai. Chúng tôi biết làm hàng chục nghìn vụ án chưa chắc đã có thành tích, nhưng làm oan sai một vụ thì chắc chắn bị kỷ luật. Chúng tôi đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, giải pháp để hạn chế oan sai. Thậm chí, có những giải pháp lần đầu tiên áp dụng trên thế giới. Thí dụ, nối mạng các phòng xét xử với phòng làm việc của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để các đồng chí tham dự, quan sát diễn biến phiên toà, đánh giá chất lượng câu hỏi và trách nhiệm của công tố tại phiên toà. Do đó, trách nhiệm của công tố tại phiên toà tăng. Hoặc nối phòng xét xử với giảng đường của cơ sở đào tạo để sinh viên tiếp cận.
Chúng tôi thống nhất với nhận thức của các đại biểu đã nêu: Dẫu còn một vụ oan sai thì chúng tôi cũng đau như những người dân. Trách nhiệm không cho phép.
Rất nhiều những giải pháp đồng bộ đã được triển khai. Rất tiếc là, dẫu ít nhưng vẫn còn xảy ra oan sai. Thay mặt lãnh đạo ngành, chúng tôi xin lỗi những người bị oan sai và gia đình những người bị oan sai và sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, cố gắng hạn chế thấp nhất việc này để hạn chế những người bị oan.
Về những giải pháp xử lý những người gây ra oan sai, chúng tôi xử lý nội bộ khá nhiều. Kiểm soát nội bộ cũng được tăng cường, kiểm soát chéo giữa ba ngành với nhau cũng được tăng cường.
Hầu hết những vụ oan sai được các đại biểu Quốc hội nêu ra như vụ Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Trần Văn Đỡ (Sóc Trăng)…, các cơ quan tố tụng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã khởi tố cán bộ tư pháp, kể cả kiểm soát viên, điều tra viên và thẩm phán rất nghiêm túc, không có bao che hay xử nhẹ.
Về giải pháp sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự, đây là một kiến nghị đậm nét của Ủy ban Tư pháp trong báo cáo. Chúng tôi cố gắng đưa vào trong này nhiều giải pháp quán triệt tinh thần tư pháp tiến bộ đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Theo đó, có nhiều giải pháp minh bạch hoá quá trình tố tụng, để tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử, tăng trách nhiệm của các chức danh tư pháp bao gồm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán. Nhưng riêng các thẩm quyền liên quan dến quyền con người, thí dụ bắt – giam -tha, giao cho thủ trưởng các cơ quan này quyết định.
Chúng tôi đưa ra nguyên tắc cho luật sư tiếp cận quá tình tố tụng sớm hơn, rộng hơn, thuận lợi hơn. Và đề cao nguyên tắc của Hiến pháp là nguyên tắc tranh tụng, trao cho toà án quyền tuyên án trên cơ cở tranh tụng và những hồ sơ, chứng cứ đã được kiểm tra công khai tại toà. Toà có quyền không mở phiên toà khi phát hiện quyền tố tụng bị vi phạm, quyền của luật sư, quyền tranh tụng không bảo đảm. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi tới đây, nguyên tắc “suy đoán vô tội” cũng được đề cao. Theo đó, người bị tình nghi, bị can bị cáo, được đối xử khi chưa có bản án thì coi là người vô tội. Tất cả các biện pháp cưỡng chế tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền con người đều cố gắng phải điều chỉnh bằng luật chứ không phải bằng pháp luật như trước đây.
Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình:
Việc để xảy ra oan sai là điều không thể chấp nhận được
Trong nhiệm kỳ này, Tòa án đã cùng các bên xem xét 24 trường hợp có đơn kêu oan được xét xử trong ba năm qua, có mức án từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Kết quả cho thấy, cơ bản việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật. Trong năm 2014, Tòa án cũng đã xem xét một số vụ án từ nhiệm kỳ trước có đơn kêu oan.
Các tòa án đã nỗ lực để thực hiện tốt các vụ án hình sự, tiếp tục có những chuyển biến tích cực về chất lượng xét xử vụ án. Việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong ba năm, chỉ để xảy ra một vụ xét xử oan với một trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng và đã được miễn trách nhiệm hình sự.
Dù cho án oan sai trong nhiệm kỳ ba năm qua chỉ có một trường hợp, nhưng Toà án nhân dân cũng phải giải quyết một số vụ án nổi lên như những vụ án xã hội mà các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Có ít, nhưng việc để xảy ra oan sai là điều không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, tư pháp, và ảnh hưởng đến công lý toàn xã hội. Cho nên, cần rút ra được những nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục hậu quả, vì nó liên quan đến quyền của công dân.
Về nguyên nhân xảy ra oan sai, tôi nhất trí với báo cáo giám sát. Từ việc xét xử, việc giải quyết bồi thường cho những án oan xảy ra trước đây, bên cạnh những nguyên nhân như thẩm phán, hội thẩm chưa đủ năng lực, còn một số nguyên nhân khác như: việc xét xử phụ thuộc phần lớn vào các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ đã được thu thập, một số trường hợp nghiên cứu hồ sơ chưa kỹ, đánh giá chưa toàn diện; phần tranh tụng chưa thực sự được quan tâm; chưa phát huy vai trò của những người tham gia tố tụng, đặc biệt vai trò của luật sư; chưa xem xét những lời khai, phản cung, kêu oan của bị can, bị cáo.
Về việc bồi thường cho người bị oan sai, trong ba năm 2012-2014, tòa án các cấp đã nhận 22 đơn, trả lại ba đơn không đủ điều kiện. Trong số 19 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, đã giải quyết 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường gần 1,7 tỷ đồng. Sáu trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Việc giải quyết án an được tổ chức nghiêm túc theo quy định, người bị oan được xin lỗi công khai, bồi thường trực tiếp. Các tòa án cũng đang tiến hành thụ lý 19 đơn khởi kiện của các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu bồi thường hoạt động tố tụng, và đã giải quyết 14 vụ.
Có ba trường hợp đang được quan tâm là trường hợp ông Lương Ngọc Phi yêu cầu khởi kiện bồi thường 22 tỷ đồng, tòa án sơ thẩm đồng ý, nhưng giám đốc thẩm đã hủy án. Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) bồi thường 7,2 tỷ đồng, và đã làm thủ tục để nhận số tiền này. Trường hợp ông Phan Văn Lá (Long An), cơ quan tố tụng đã xin lỗi và bồi thường 480 triệu.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()