Các chuyên gia nước ngoài góp ý cho Việt Nam về khai thác tài nguyên 'quý giá nhất'
Đây là lần đầu tiên các chuyên gia, lãnh đạo của các quốc gia, quỹ, tổ chức hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo từ Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) họp tại Việt Nam và cùng tham dự hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.
Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam” diễn ra sáng 15/5 tại Hà Nội |
Sáng 15/5, tại Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Một trụ cột cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam” được tổ chức bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và IDIA, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm, giải pháp về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, một “tài nguyên” được xem là quý giá nhất, càng khai thác càng sinh sôi nảy nở.
Ông Stefan Hajkowicz, nhà khoa học cao cấp của Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Liên bang Australia (CSIRO) cho biết, công nghệ số đem lại cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức. Sự chuyển hướng phát triển của ngành kinh tế số, dự kiến đóng góp từ 10 đến 20 triệu tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2025. Đánh giá cao vai trò của khoa học công nghệ, ông cho rằng, ngành này có nhiều tiềm năng to lớn và Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu để phát triển trong thời gian tới.
TS. Lucy Cameron, tư vấn nghiên cứu cao cấp, CSIRO, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đổi số.
Theo TS. Lucy Cameron, trước đây Việt Nam gia tăng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy dựa trên tăng trưởng truyền thống. Tuy nhiên, để bứt phá cần chú trọng đến công nghệ cao, tập trung vào phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với những định hướng mới. Bà Cameron nhấn mạnh, chỉ những quốc gia tận dụng tốt khoa học công nghệ mới có những bứt phá nhảy vọt trong giai đoạn hiện nay.
Ông Kym Dongwha, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc chia sẻ thông điệp: Khi xác định được định hướng thì phải đi tới tận cùng và các nước cần có viện nghiên cứu hùng mạnh để hiện thực hoá công nghệ.
Viện nghiên cứu công nghiệp sẽ là nhà cung cấp giải pháp công nghệ và sản xuất; là công cụ cho quan hệ đối tác công – tư (PPP); là công cụ đàm phán để nhập khẩu công nghệ và là nguồn đào tạo nhân lực công nghệ cho nước nhà.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang xếp ngang hàng về tỷ lệ sử dụng mobile và Internet so với nhiều nước. Đây là cơ sở để phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Việt Nam cần thiết cơ cấu lại các viện nghiên cứu, giảm số lượng nhưng tăng quy mô, chất lượng. Đào tạo nhân lực cũng cần được chú trọng do Việt Nam còn thiếu lực lượng lao động lành nghề, tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên có bằng cấp chỉ tăng nhẹ đến năm 2020, chất lượng lực lượng lao động hiện đang tụt hậu so với các nước.
“45% doanh nghiệp Việt xác định kỹ năng là trở ngại song chỉ có 30% các doanh nghiệp tại nước ngoài có lo ngại tương tự”, ông Ousmane Dione cho hay.
Đề xuất giải pháp xây dựng nền kinh tế hàng đầu về đổi mới sáng tạo, ông chỉ ra, trước hết cần tham vấn khu vực tư nhân; hỗ trợ xác định các cơ chế phối hợp và giám sát hiệu quả; nâng cao năng lực thông qua hợp tác (phát triển kỹ năng chuyên sâu, khảo sát ứng dụng công nghệ) và tăng cường giám sát và đánh giá. “Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ rất quan trọng với Việt Nam”, ông nhấn mạnh trước khi kết thúc bài phát biểu.
Làm công nghệ sáng tạo không nên lo sợ thất bại
Theo bà Deepali Khanna, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, Quỹ Rockefeller, Việt Nam cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả, cần có môi trường tạo sự đổi mới trên quy mô cả nước. “Tôi nhận thấy người Ấn Độ quê hương tôi và Việt Nam đều lo sợ sự thất bại. Nhưng với đổi mới sáng tạo cần vượt qua nỗi sợ đó, cần tự tin hơn, thất bại là chấp nhận được và sẽ giúp chúng ta đưa ra những quyết định sáng suốt hơn”.
Theo đó, Việt Nam cần tạo ra những trung tâm xuất sắc, tạo ra cơ chế một cửa giúp mọi người có thể tiếp cận các tri thức đó. Những trung tâm có thể giúp các nhà sáng tạo có được sự hỗ trợ từ chính phủ, các bộ, ngành cần có hệ sinh thái kết nối chặt chẽ hơn nữa. “Tôi tin Việt Nam có thể xây dựng được mô hình này và chúng tôi mong muốn được là một phần của hành trình đó”, đại diện Quỹ Rockefeller nói.
Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực mobile, mạng băng rộng mobile đã phủ sóng nhiều khu vực. Nền kinh tế số hiện nay của Việt Nam đã tăng găp 3 lần so với những năm vừa qua.
Theo ông, việc phát triển hệ thống 5G tại Việt Nam cùng các nước khác và hợp tác cùng các bộ là nền tảng để thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0.
“Về giáo dục, cách mạng 4.0 khác với các cuộc cách mạng trước đây, chúng ta có ít thời gian nhảy vọt, chúng ta cần nâng cao năng lực thông qua khoa học công nghệ. Chúc mừng Thủ tướng Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có những cam kết đưa dữ liệu trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội”, ông nói.
“Nếu không có quy định phù hợp với những ý tưởng mới, chúng ta không thể tăng cường đổi mới sáng tạo. Điều này đòi hỏi cần có sự tham gia của Chính phủ và khu vực tư nhân”, ông Ben Kumpf đề xuất.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()