Thứ 5, 28/11/2024 14:46 [(GMT +7)]
Các chương trình tín dụng góp phần nâng cao đời sống người dân
Thứ 6, 31/08/2012 | 09:43:00 [(GMT +7)] A A
Với nguồn vốn đó, hàng nghìn hộ nghèo đã được đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, lao động nông thôn có việc làm, học sinh, sinh viên có điều kiện đi học… Những mô hình kinh tế mới, những ngôi nhà xây mới, những công trình nước sinh hoạt, chuồng trại chăn nuôi kiên cố hóa... xuất hiện ngày càng nhiều đã và đang góp phần rất thiết thực vào xây dựng nông thôn mới và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.
LSO-Gặp bà Hoàng Thị Hiu, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc khi đang trả tiền lãi cho các tổ viên, bà chia sẻ: “Hiện tổ của chúng tôi có 22 hộ đang sử dụng nguồn vốn vay là 520 triệu đồng, trong đó gồm vốn chương trình hộ nghèo, học sinh, sinh viên và vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Được tạo điều kiện vay vốn, trong những năm qua, các tổ viên đã có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư phát triển đàn lợn, gia cầm, mua máy cày, máy bơm nước phục vụ sản xuất gieo trồng một cách có hiệu quả. Hiện, các hộ dân có thu nhập khá hơn, đang từng bước ổn định và nâng cao đời sống. Nếu cứ đà phát triển chăn nuôi, gieo trồng thuận lợi, các hộ dân trong tổ sẽ dần ra khỏi danh sách hộ nghèo, dự tính hết năm nay sẽ có khoảng 3- 4 tổ viên thoát nghèo. Các tổ viên vay vốn sắp đến hạn trả nợ đều mong muốn là sẽ được tạo điều kiện vay vốn mới sau khi trả nợ cũ để tiếp tục đầu tư làm kinh tế”.
Mô hình chăn nuôi lợn ở xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình
Không chỉ đối với các tổ viên của thôn Hợp Tân, ở các địa phương trong toàn tỉnh đã có hàng nghìn hộ dân vươn lên làm kinh tế thoát đói nghèo, hơn thế còn làm giàu chính đáng nhờ có nguồn vốn vay, như: gia đình chị Ngọc Thanh Yến, ở xã Văn An, huyện Văn Quan, nhờ được vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo đầu tư trồng vườn ươm giống cây lâm nghiệp và vay 8 triệu đồng chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nay đã có nhà ở ổn định, có thu nhập đảm bảo cuộc sống, năm 2011 gia đình chị vừa thoát nghèo. Hay như hộ ông Hoàng Văn Sâm, khu Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng đầu tư 30 triệu đồng vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn làm mô hình trồng rừng đã vươn lên khá giả; chị Triệu Thị Quy, xã Tân Đoàn phát triển đàn bò và chăn nuôi lợn sau hơn 4 năm sử dụng vốn vay cũng vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã…
Ông Hoàng Văn Thiêm, Chủ tịch UBND xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan – một trong những xã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cho hay: Trong ba năm gần đây, nguồn vốn vay trên địa bàn liên tục tăng, tổng dư nợ đến nay hơn 7 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay vốn đã sử dụng vào chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh, xây nhà ở… nâng cao đời sống gia đình. Phải nói rằng, từ nguồn vốn vay ưu đãi, tình hình phát triển kinh tế- xã hội của xã đã có những chuyển biến rõ nét, ví dụ như phong trào chăn nuôi của xã phát triển mạnh, nhiều hộ nghèo xây được nhà ở ổn định, năm 2011 có 50 hộ thoát nghèo, thêm hàng chục hộ vươn lên có đời sống khá giả.
Ông Trần Việt Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, thực sự phát huy hiệu quả kinh tế- xã hội trong đời sống của người dân, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh luôn triển khai thực hiện tốt công tác phân bổ nguồn vốn cho 11 huyện, thành phố theo nhu cầu và tình hình thực tế tại mỗi địa phương; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền địa phương để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bình xét đối tượng vay, theo dõi và hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích trong suốt quá trình vay… Năm 2012, với tổng nguồn vốn tăng trưởng thêm là 183,55 tỷ đồng, các phòng giao dịch đã tổ chức giải ngân cho vay kịp thời, đưa tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh trong 8 tháng đầu năm đạt 1.522,07 tỷ đồng, hơn 88 nghìn hộ dân được sử dụng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ hộ nghèo là 718,7 tỷ đồng, dư nợ vùng khó khăn 427,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm 59 tỷ đồng, hộ nghèo về nhà ở hơn 38 tỷ đồng, học sinh sinh viên 194,2 tỷ đồng…
Với nguồn vốn đó, hàng nghìn hộ nghèo đã được đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, lao động nông thôn có việc làm, học sinh, sinh viên có điều kiện đi học… Những mô hình kinh tế mới, những ngôi nhà xây mới, những công trình nước sinh hoạt, chuồng trại chăn nuôi kiên cố hóa… xuất hiện ngày càng nhiều đã và đang góp phần rất thiết thực vào xây dựng nông thôn mới và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.
Lâm Như
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()