Các câu lạc bộ khoa học – tự nhiên: Nơi khơi dậy, nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh
– Những năm qua, phong trào nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các trường học đã được ngành giáo dục tỉnh chú trọng phát động, triển khai. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại các trường học trên địa bàn tỉnh có hàng trăm mô hình câu lạc bộ (CLB) liên quan đến sở thích, nghiên cứu, học tập… của học sinh được thành lập và duy trì hoạt động tích cực. Nổi bật trong đó là các CLB khoa học – tự nhiên, qua đó tạo sân chơi cho học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ.
Học sinh tham gia khoá học lập trình tại CLB Khám phá khoa học – tự nhiên, Cung Thanh thiếu nhi Lạng Sơn
Từ năm học 2018 – 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường THPT nghiên cứu, thành lập các CLB phù hợp với điều kiện của trường. Trong đó, nổi bật là CLB Khoa học – tự nhiên, một số trường có tên gọi khác như: CLB Nghiên cứu khoa học, CLB Sáng tạo trẻ, CLB STEM robotics… nhưng nội dung hoạt động vẫn xoay quanh việc các em được tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi và thực hiện các dự án STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học); các dự án/đề tài khoa học kỹ thuật lĩnh vực vật lí – kỹ thuật – tin học; các dự án khởi nghiệp ở mức độ đơn giản, phù hợp với lứa tuổi; lập trình, điều khiển Robot; lập trình Scratch; ôn thi tin học trẻ không chuyên… Thông qua hoạt động của CLB này, các em được sáng tạo, đổi mới, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số…
Hiện nay, toàn tỉnh có 73 trường tiểu học – THCS; 140 trường THCS; 26 trường THPT và 11 trường THCS – THPT, mỗi trường có ít nhất 1 CLB khoa học – tự nhiên dưới sự quản lý của đoàn trường và ban giám hiệu nhà trường. Hằng năm, các trường luôn tạo điều kiện để học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật bằng việc cử giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các mô hình, dự án tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật; khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu thực hiện các mô hình và tham dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp… Qua đó, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm có từ 500 đến 600 sản phẩm, dự án của học sinh tham dự các cuộc thi như: Cuộc thi Khoa học kỹ thuật; cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng; cuộc thi lập trình, điều khiển rô bốt… Đối với cuộc thi cấp tỉnh, số lượng sản phẩm dự thi trong 5 năm trở lại đây đã tăng về số lượng. Nếu như từ năm 2013 đến năm 2017, toàn ngành giáo dục ghi nhận trung bình mỗi năm có từ 30 đến 50 dự án, sản phẩm nghiên cứu khoa học, khoa học kỹ thuật của học sinh dự thi cấp tỉnh thì từ năm 2018 đến nay, mỗi năm có trên 120 sản phẩm, dự án của học sinh tham gia các cuộc thi. Chất lượng sản phẩm cũng được đảm bảo với các đề tài, dự án tham gia đều gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường.
Em Trần Thu Phương, lớp 11 A, Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Ngay từ những ngày đầu học lớp 10, em được các thầy cô giới thiệu về các CLB của nhà trường. Qua tìm hiểu, em đã đăng ký tham gia CLB về nghiên cứu khoa học để thoả niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của mình. Tham gia CLB này, cùng với học tập, em đã được nghiên cứu, sáng tạo khoa học, trong đó có nghiên cứu thực hiện đề tài hệ thống hạn chế rủi ro khi lái xe ô tô lọt vào tốp 10 giải pháp công nghệ an toàn giao thông năm 2022 do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Báo Điện tử Dân trí, Công ty Toyota Việt Nam tổ chức. Trong năm học tới, em còn có một số dự án đang ấp ủ và chắc chắn sẽ đưa vào dự thi các cuộc thi nghiên cứu khoa học của tỉnh.
Không chỉ ở trường học, trong tháng 7/2023, Cung Thanh thiếu nhi Lạng Sơn cũng đã thành lập CLB Khám phá khoa học – tự nhiên dành cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh ở độ tuổi từ 8 đến 14. Tại đây, các em được học một số nội dung như: làm phim hoạt hình đơn giản, tự tạo trò chơi đơn giản, giả lập máy đo nhịp tim con người, làm hiệu ứng pháo hoa, thiết bị chống trộm, lắp ráp mạch điện, tìm hiểu thiết bị cảm biến, thiết kế mẫu quảng cáo…
Bà Hoàng Thị Liễu, Phó Giám đốc Cung Thanh thiếu nhi Lạng Sơn cho biết: Mục tiêu hướng tới của CLB Khám phá khoa học – tự nhiên là cho thanh thiếu niên, nhi đồng biết đến lập trình Scartch, truyền cảm hứng, tình yêu công nghệ, giúp các em sớm được tiếp cận và nắm bắt được kiến thức về công nghệ cũng như xu hướng mới và trang bị cho các em những kỹ năng trong thời đại công nghệ số 4.0. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao, đa dạng các tiết học hơn nữa nhằm thu hút đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh tham gia.
Qua đây có thể thấy các CLB khoa học – tự nhiên trong và ngoài nhà trường đã và đang là sân chơi bổ ích, là nơi để các em học sinh thể hiện niềm say mê và giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật… Tin rằng, thời gian tới, các CLB này trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục được nhân rộng, thu hút nhiều học sinh tham gia hơn nữa và không ngừng khơi dậy, nuôi dưỡng nhiều nhân tài đam mê khoa học của tỉnh.
Ý kiến ()