Các cấp hội phụ nữ quan tâm công tác giám sát
– “Tổ chức hội phụ nữ là đơn vị tích cực, tiêu biểu trong thực hiện công tác giám sát. Qua đó, đã phát huy vai trò của phụ nữ, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh” – Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đánh giá.
Năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thành lập đoàn giám sát chính sách pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 (về tỷ lệ nữ trong bầu cử) thông qua báo cáo đối với HĐND 5 huyện: Lộc Bình, Văn Lãng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Tràng Định. Qua giám sát, đoàn nhận thấy thường trực HĐND các huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác bầu cử theo quy định. Với tỷ lệ nữ tham gia HĐND cấp huyện tại 5/5 huyện đều đạt trên 30%. Ví dụ như: huyện Văn Lãng đạt 35,48%; Hữu Lũng đạt 31,43%; Bắc Sơn đạt 32,3%… Đồng thời, đoàn kiến nghị về những hạn chế trong triển khai thực hiện công tác bầu cử của HĐND các huyện.
Cán bộ hội phụ nữ cấp cơ sở tham gia tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng giám sát năm 2021
Trên đây chỉ là ví dụ điển hình trong công tác giám sát do Hội LHPN tỉnh thực hiện. Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Xác định tầm quan trọng của công tác giám sát, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (QĐ 217 – 218). Đồng thời, lựa chọn nội dung, hình thức giám sát phù hợp, đa dạng hóa các kênh tiếp nhận và phản ánh ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của phụ nữ.
Không riêng Hội LHPN tỉnh, các cấp hội hằng năm đều lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp với điều kiện của đơn vị và địa phương. Theo số liệu thống kê của Hội LHPN tỉnh, từ năm 2014 đến nay (từ khi thực hiện QĐ 217 – 218), các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 450 cuộc giám sát, ban hành hơn 260 văn bản kiến nghị sau giám sát. Nội dung giám sát về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, liên quan đến phụ nữ và trẻ em như: tình hình thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Trẻ em; lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, chính sách đối với hộ nghèo… Với hình thức: giám sát trực tiếp; phối hợp, tham gia các đoàn giám sát; giám sát qua văn bản, báo cáo.
Bà Lăng Thị Lê Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: Để giám sát hiệu quả, hằng năm, chúng tôi xây dựng kế hoạch cụ thể, lựa chọn vấn đề nổi cộm. Từ năm 2014 đến nay, các cấp hội phụ nữ thành phố đã chủ trì, tổ chức 26 cuộc giám sát. Đồng thời, tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của thành phố giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19… Nhờ đó, góp phần vào một số kết quả của thành phố như: Nhiệm kỳ 2020 – 2025, số lượng cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ thành phố là 15/41, chiếm 36,59%, (tăng 6,26% so với nhiệm kỳ trước). Số lượng nữ đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 – 2026 là 15/30, chiếm 50% (tăng 3,33% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã là 82/185, chiếm 44,32% (tăng 7,75% so với nhiệm kỳ trước)…
Cùng đó, hằng năm, Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố quan tâm nâng cao năng lực, kỹ năng giám sát cho cán bộ hội cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội tổ chức 54 lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng về giám sát cho 100% cán bộ hội chuyên trách các cấp và trên 98% chi hội trưởng phụ nữ. Qua tập huấn, cán bộ hội được nâng cao hiểu biết về nội dung, phạm vi, quy trình giám sát, từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của các cấp hội.
Có thể nói, các cấp hội phụ nữ đã thực hiện tốt công tác giám sát, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Đơn cử trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, số lượng cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh là 10/53, chiếm 18,9% (tăng 2,5% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện có 134/509 đồng chí, chiếm 26,3% (tăng 5,3% so với nhiệm kỳ trước). Nhiệm kỳ 2021 – 2026, số lượng nữ đại biểu HĐND tỉnh là 17/55; chiếm 30,9%… Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 114 vụ bạo lực gia đình (giảm 7 vụ so với năm 2020); 17 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước (giảm 3 trẻ so với năm 2020); có hơn 460 trẻ em thuộc đối tượng F0, F1 được hỗ trợ trên 460 triệu đồng…
Ý kiến ()