Các cấp hội phụ nữ góp sức thực hiện chính sách dân số
– Xác định tầm quan trọng của chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ), thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 142.000 hội viên phụ nữ (HVPN), trong đó, có trên 70% hội viên trong độ tuổi sinh đẻ, do đó các cấp hội phụ nữ đã và đang tích cực quan tâm vận động hội viên thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Tôi là thành viên Ban Chỉ đạo Công tác DS-KHHGĐ tỉnh, thời gian qua, tôi và các thành viên trong ban đã tích cực chỉ đạo triển khai chính sách DS-KHHGĐ, trong đó, tích cực triển khai đến HVPN. Cụ thể, chỉ đạo các cấp hội phụ nữ tập trung tuyên truyền, duy trì các mô hình câu lạc bộ (CLB) về gia đình, lồng ghép thực hiện các đề án DS-KHHGĐ trong các phong trào, hoạt động hội, nâng cao hiểu biết và nhận thức của HVPN để từ đó thực hiện đúng chính sách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Cán bộ Hội LHPN xã Hùng Sơn (Tràng Định) tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho hội viên phụ nữ trên địa bàn xã
Để đảm bảo 100% cán bộ, HVPN trong độ tuổi sinh đẻ được tuyên truyền về chính sách DS-KHHGĐ, các cấp hội đã đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, cung cấp kiến thức về DS-KHHGĐ như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, tọa đàm, hội thi, phát tờ rơi, tuyên truyền trên mạng xã hội… Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền được hơn 1.000 cuộc với hơn 32.000 lượt người dự. Chị Nông Thị Hằng, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Quyền A1, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định cho biết: Qua nghe tuyên truyền của các cấp hội, chúng tôi hiểu chỉ được sinh con thứ ba trong những trường hợp theo quy định, không được lựa chọn giới tính thai nhi, phải đối xử công bằng giữa con trai, con gái… Chúng tôi còn được biết đến các phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản an toàn. Hiện gia đình tôi có 2 con gái nhưng tôi đã bàn với chồng là sẽ không sinh thêm để có điều kiện nuôi dạy các con tốt hơn.
Thời gian qua, các cấp hội còn gắn triển khai chính sách DS-KHHGĐ với thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn” (trong đó có nội dung “Không vi phạm chính sách dân số”). Từ năm 2016 đến nay, cả tỉnh đã có hơn 4.500 hộ hội viên đạt 11 tiêu chí. Cùng với đó, hội phụ nữ cơ sở thường xuyên duy trì hoạt động của hơn 200 mô hình, CLB về gia đình như: “Phụ nữ không sinh con thứ ba”; “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Mẹ và con gái”… sinh hoạt theo chuyên đề từng tháng, từng quý. Tại các buổi sinh hoạt, các nội dung như: công tác DS-KHHGĐ; chăm sóc sức khỏe sinh sản, mất cân bằng giới tính khi sinh; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… đã được tuyên truyền đến các thành viên, HVPN.
Cùng với tích cực tuyên truyền bằng những cách thức trên, hiện nay, toàn tỉnh có 272 chi hội trưởng phụ nữ kiêm cộng tác viên dân số, lực lượng này đã trực tiếp tuyên truyền, theo dõi việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại cơ sở. Chị Hoàng Thị Mơ, Chi hội trưởng Phụ nữ, cộng tác viên dân số thôn Làng Khoác, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng cho biết: Hơn 6 năm làm cộng tác viên dân số, tôi thường lồng ghép vận động HVPN thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ trong sinh hoạt hội. Tôi đã chủ động, gặp gỡ, tư vấn trực tiếp cho chị em trong độ sinh đẻ, các cặp vợ chồng sinh con một bề thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ đó, nhận thức của nhiều HVPN đã có chuyển biến, 3 năm gần đây, 100% hội viên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, thôn không có trường hợp sinh con thứ ba trở lên.
Nhằm tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng công tác dân số trong tình hình mới, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ tăng cường tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho hội viên phụ nữ vùng sâu, xa, biên giới. Đồng thời, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”; nhân rộng và duy trì các mô hình, CLB hiệu quả.
Sự tham gia tích cực, các cấp hội phụ nữ đã góp phần thiết thực vào việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2021: tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trung bình mỗi năm giảm 0,4 đến 0,6 điểm phần trăm; hơn 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trong tỉnh được cung cấp thông tin, kiến thức, các dịch vụ, hàng hóa về sức khỏe sinh sản, phương tiện tránh thai; năm 2020, toàn tỉnh có 9.900 trẻ được sàng lọc trước sinh (tăng 7,7 lần so với năm 2016), 5.686 trẻ được sàng lọc sơ sinh (tăng 33 lần so với năm 2016). Năm 2021, toàn tỉnh có 11.587 trẻ được sàng lọc trước sinh, 5.434 trẻ được sáng lọc sơ sinh… |
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()