Các cấp hội nông dân: Đồng hành với nông dân trong phát triển kinh tế
Hội viên nông dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng phát triển kinh tế từ mô hình trồng na
– Những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) của tỉnh đã phát huy tốt vai trò trong hỗ trợ, vận động hội viên, nông dân (HVND) đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất với những mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, gia đình Ông Mai Hữu Chính, thôn Thạch Lương, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng chủ yếu trồng lúa và ngô, thu nhập thấp và bấp bênh. Để tìm hướng phát triển kinh tế, ông Chính đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả do Hội Nông dân (HND) xã phối hợp tổ chức và bản thân ông chủ động tìm hiểu cây trồng phù hợp để xây dựng mô hình.
Theo đó từ năm 2012, gia đình ông Chính đã mạnh dạn trồng hơn 3.500 cây na dai. Ông Chính cho biết: Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển không đồng đều, thậm chí nhiều cây chết bởi sâu bệnh. Không nản chí, tôi vừa trồng vừa nỗ lực học hỏi kỹ thuật, cách thâm canh, cách cắt tỉa cành, tạo tán, trồng na rải vụ… qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) do HND xã phối hợp tổ chức. Năm 2018, gia đình tôi còn tham gia sản xuất na theo quy trình VietGAP. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, vườn na đem lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí và tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Được biết ông Mai Hữu Chính còn thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn cho các HVND khác trong xã cùng phát triển kinh tế; bản thân ông và thành viên trong gia đình cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn. Với những nỗ lực, sự đóng góp đó, ông Chính nhiều lần được cấp có thẩm quyền công nhận, biểu dương về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG). Gần đây nhất, tháng 5/2023, ông là 1 trong 4 cá nhân của tỉnh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nông dân giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Đây chỉ là một trong số nhiều HVND tiêu biểu trên địa bàn tỉnh năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Theo thống kê của HND tỉnh, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm toàn tỉnh có gần 14.000 hộ HVND đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG các cấp và có trên 10.000 hộ đạt danh hiệu trên. Riêng năm 2023, toàn tỉnh đã có trên 10.600 hộ HVND đạt danh hiệu hộ SXKDG các cấp, tăng hơn 200 hộ so với năm 2022 và đạt 103,2% so với chỉ tiêu đề ra.
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Xác định việc hỗ trợ HVND phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và để tiếp sức cho HVND có thêm điều kiện phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp HND đã tích cực phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ HVND. Cụ thể, các cấp hội luôn đẩy mạnh việc phát động phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; hỗ trợ HVND vay vốn ưu đãi, chuyển giao KHKT tiên tiến đến HVND, cung ứng vật tư nông nghiệp; đưa HVND đi học tập kinh nghiệm, đào tạo nghề…
Theo đó, các cấp HND đưa việc thực hiện phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” vào mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện hằng năm; tích cực tuyên truyền, vận động HVND đăng ký, tiến hành bình xét, bình chọn danh hiệu nông dân SXKDG các cấp đảm bảo công bằng, đúng quy trình và biểu dương các HVND SXKDG kịp thời, đúng đối tượng. Cùng đó, các cấp hội đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho HVND được vay vốn, cung ứng vật tư nông nghiệp kịp thời, đầy đủ và được trang bị nhiều kiến thức bổ ích để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Cụ thể, trong 5 năm qua, các cấp hội đã hỗ trợ gần 370.000 tấn phân bón và 296 tấn thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất; tổ chức và phối hợp tổ chức trên 5.100 lớp tập huấn về KHKT cho gần 300.000 lượt HVND tham gia… Riêng năm 2023, các cấp hội đã phối hợp tổ chức được hơn 140 lớp dạy nghề cho trên 4.000 lượt HVND và trên 90% HVND sau khi được dạy nghề đã biết vận dụng kiến thức để nâng cao hiệu quả sản xuất; phối hợp tổ chức được gần 600 cuộc tập huấn cho hơn 24.900 lượt HVND về kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hiện các cấp hội nhận ủy thác nguồn vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho gần 20.000 lượt hộ HVND vay với số tiền gần 700 tỷ đồng; hỗ trợ 2.236 hộ vay từ quỹ hỗ trợ nông dân các cấp với số tiền trên 49 tỷ đồng… Các nguồn vốn vay được HVND đầu tư phát triển kinh tế với các mô hình: trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.
Đáng chú ý, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, các cấp hội còn chủ động tổ chức cho HVND đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh. HND huyện Bắc Sơn là một ví dụ, tính riêng trong năm 2023, HND huyện đã tổ chức cho cán bộ, HVND đi tham quan học tập mô hình trồng ớt tại huyện Lộc Bình; tham quan học hỏi mô hình trồng dưa bao tử, trồng măng lục trúc tại tỉnh Bắc Giang; học tập mô hình nuôi tắc kè tại tỉnh Thái Nguyên; tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất nông lâm nghiệp tiêu biểu tại tỉnh Hoà Bình … Ông Dương Đức Cường, Chủ tịch HND huyện Bắc Sơn cho biết: Sau khi đi tham quan thực tế, HND huyện và cấp xã đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích các HVND nghiên cứu, áp dụng vào thực tế một cách phù hợp. Qua đây đã có một số HVND áp dụng kiến thức, cách làm vào phát triển kinh tế.
Đặc biệt, các cấp HND không chỉ hỗ trợ HVND có thêm điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất mà còn đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin, kết nối thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá để tiêu thụ sản phẩm cho HVND. Đơn cử như tại huyện Chi Lăng, HND huyện đã phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ Na Chi Lăng năm 2022; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2023 tại Hà Nội… Ngoài ra, các cấp hội trên địa bàn huyện còn kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay, các sản phẩm như: nguyên liệu thuốc lá, na, khoai tây, ớt… đã có liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp lớn.
Có thể thấy, các cấp HND trên toàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò của mình, từng bước khẳng định vị trí của tổ chức HND trong việc vận động, giúp đỡ HVND phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Qua đó, tạo điều kiện cho HVND phát triển sản xuất và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trong những năm vừa qua, hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,9%, giảm 10,15% so với năm 2017.
Ý kiến ()