Các cấp hội cựu chiến binh: Đồng hành, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
- Cùng với thực hiện các phong trào thi đua, các cấp hội cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.
Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau phát triển kinh tế, phấn đấu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống là mục tiêu xuyên suốt được các cấp hội CCB quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên thực hiện. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Toàn hội hiện có 12 hội trực thuộc, 236 cơ sở hội với trên 35.600 hội viên. Để tạo động lực cho hội viên giảm nghèo, các cấp hội đã triển khai thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hút nhiều cán bộ, hội viên hưởng ứng tham gia.
Để giúp hội viên có vốn sản xuất, kinh doanh, Hội CCB tỉnh đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, làm cầu nối truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp hội viên CCB, hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện, toàn hội đang quản lý 368 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ tính đến hết tháng 5/2024 là trên 798 tỷ đồng. Nguồn vốn uỷ thác đã tạo điều kiện cho khoảng 7.000 lượt hộ CCB vay, mỗi hộ vay từ 30 đến 50 triệu đồng.
Cùng đó, các cấp hội xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội” với 100% chi hội có quỹ. Nguồn quỹ hội được trích một phần để cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp. Các cấp hội cũng thường xuyên phối hợp với hội nông dân, trung tâm khuyến nông… mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, chú trọng việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái… cho hội viên.
Từ sự hỗ trợ của hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế. Toàn hội hiện có 1.581 mô hình kinh tế (tăng 165 mô hình so với thời điểm cuối năm 2023). Trong đó chủ yếu là mô hình về trồng cây ăn quả (na, bưởi, cam…); trồng rừng (thông, keo, bạch đàn…); chăn nuôi (trâu, bò, dê, ngựa…) và kinh doanh dịch vụ. Các mô hình duy trì hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập bình quân từ 100 đến 500 triệu đồng/năm/mô hình và tạo việc làm cho gần 4.000 lao động là hội viên CCB và bà con Nhân dân. Năm 2023, toàn hội có 174 hội viên được công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.
Bằng ý chí tự lực, tự cường, cùng với sự hỗ trợ của hội, ông Vũ Đình Tường, CCB khu III, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã thoát nghèo nhờ phát triển mô hình kinh tế kinh doanh hàng tạp hoá. Ông Tường chia sẻ: Sau khi rời quân ngũ, tôi có buôn bán nhỏ lẻ nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn. Năm 2016, vợ chồng tôi đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 50 triệu đồng và vay thêm anh em họ hàng 100 triệu đồng để làm vốn, mua sắm các trang thiết bị phục vụ việc bán hàng và nhập các mặt hàng nhu yếu phẩm để bán cho bà con. Từ năm 2017 đến nay, việc kinh doanh dần ổn định, bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng, đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, với mong muốn để hội viên “an cư lạc nghiệp”, việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cũng là một mục tiêu trong thực hiện công tác giảm nghèo mà các cấp hội CCB đã đề ra. Hằng năm, các cấp hội đều quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống của hội viên, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Từ năm 2023 đến nay, các cấp hội CCB đã vận động, ủng hộ xoá được 47 nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên với kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Ông Vi Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện Chi Lăng cho biết: Trong những năm qua, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện các phong trào về giảm nghèo, phát triển kinh tế. Hiện, toàn hội có 333 mô hình kinh tế do CCB làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao với các mô hình như: trồng na, cây có múi (cam, bưởi), kinh doanh dịch vụ, chăn nuôi ngựa bạch, trâu, bò dê… Bên cạnh động viên hội viên làm giàu, chúng tôi cũng thường xuyên huy động các nguồn lực để xoá nhà dột nát. Từ năm 2019 đến nay, hội đã xoá được 15 nhà tạm, nhà dột nát; giảm được 167 hộ hội viên nghèo, tăng thêm 320 hộ CCB giàu. Đến nay, toàn hội có 3 cơ sở hội không còn hộ hội viên nghèo là xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng và xã Mai Sao.
Với các hoạt động thiết thực trên, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên CCB ngày càng được nâng lên. Số hộ CCB nghèo giảm dần qua mỗi năm, số hộ hội viên khá và giàu tăng lên. Hết năm 2023, số hộ hội viên nghèo là 1.333 hộ (chiếm 3,9%, giảm 525 hộ so với năm 2022); số hộ hội viên cận nghèo còn 2.517 hộ (giảm 341 hộ so với năm 2022, chiếm 7,3%); tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm 89%.
Ý kiến ()