Các cấp hội chữ thập đỏ chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa
(LSO) – Những năm gần đây, tình hình thiên tai, bão lũ, thời tiết cực đoan, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Trước thực tế này, các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai, góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Ông Vũ Trường Giang, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Lạng Sơn có địa hình đồi núi dốc, mùa mưa bão gây ra lũ lụt, sạt lở đá và mùa đông khắc nghiệt làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng của con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của Nhân dân. Chính vì vậy, căn cứ vào kế hoạch của Trung ương Hội CTĐ, UBND tỉnh, hằng năm, hội đã chủ động ra văn bản chỉ đạo các cấp hội cơ sở chủ động nguồn kinh phí, hàng hóa, phương tiện, nhân lực tại chỗ nhằm ứng phó kịp thời thiên tai, thảm họa tại địa phương. Đồng thời liên tục cập nhật thông tin, phối hợp kịp thời tham gia ứng cứu, hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, thảm họa.
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập huấn cho các tình nguyện viên kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn
Hằng năm, Hội CTĐ tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân để phòng ngừa, ứng phó thiên tai, giảm thiểu rủi ro thảm họa gây ra tại các địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, hội xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực, tham mưu, đề xuất cấp trên cấp kinh phí hoạt động phòng, chống thiên tai. Tính từ năm 2019 đến nay, các cấp hội CTĐ trong tỉnh đã tổ chức được gần 20 lớp tập huấn về nâng cao nhận thức của cộng đồng về rủi ro thiên tai và nghiệp vụ công tác hội, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho trên 1.000 lượt người là lực lượng cán bộ, tình nguyện viên và người dân tham gia.
Ông Hoàng Cẩm Bình, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Bình Gia cho biết: Qua các lớp tập huấn của tỉnh hội hoặc các đợt diễn tập ứng phó thiên tai, thảm họa do tỉnh, huyện tổ chức, bản thân tôi cũng như các tình nguyện viên có thêm kiến thức, kỹ năng để ứng phó khi có thiên tai, hỏa hoạn xảy ra. Cùng với đó, có thêm kỹ năng để vận động nguồn lực nhằm chung tay sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng từ thiên tai, thảm họa, dịch bệnh…
Ngoài ra, hội chủ động vận động các nguồn lực tiềm năng đối với các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa, dịch bệnh xảy ra.
Đơn cử như trong mùa dịch Covid – 19, các cấp hội CTĐ trong tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ Nhân dân trong tỉnh, các y, bác sỹ, lực lượng trong công tác phòng chống dịch của tỉnh gồm: gần 1 triệu chiếc khẩu trang y tế, khẩu trang vải; 840 bộ quần áo y tế; gần 30.000 găng tay y tế, 7.000 lọ cồn, nước súc miệng, nước rửa tay; 12.000 bánh xà phòng sát khuẩn… với tổng trị giá trên 4,2 tỷ đồng. Qua đó, đã góp phần cùng địa phương và cả nước ngăn chặn dịch Covid – 19.
Hay như những ngày đầu năm 2020, một số huyện trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa đá, giông lốc làm tốc mái nhà dân, hoa màu của người dân. Ngay sau đó, các cấp hội CTĐ trong tỉnh đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức đến thăm hỏi, động viên các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng với tổng trị giá trên 160 triệu đồng. Qua đó, đã động viên, sẻ chia khó khăn với người dân bị ảnh hưởng thiên tai kịp thời, giúp họ dần ổn định cuộc sống.
Ông Vũ Trường Giang cho biết thêm: Trong thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng về rủi ro thiên tai, thảm họa dịch bệnh và các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho lực lượng cán bộ, tình nguyện viên CTĐ. Cùng với đó, tăng cường huy động nguồn lực để sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa dịch bệnh.
Thiết nghĩ, để công tác phòng ngừa ứng phó thiên tai, thảm họa, dịch bệnh được hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, các cấp hội CTĐ trong tỉnh cần thành lập các mô hình, tổ, đội ứng phó thiên tai, thảm họa, dịch bệnh từ cấp tỉnh đế cấp xã. Trong đó, các thành viên trong tổ, đội là lực lượng xung kích thường xuyên được tham gia tập huấn, diễn tập ứng phó nhanh với thiên tai, thảm họa… Có như vậy, khi có tình huống khẩn cấp xảy ra ở địa phương nào thì mô hình tổ, đội luôn sẵn sàng tham gia ứng phó kịp thời và hiệu quả nhất.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()