Các cấp công đoàn phát huy truyền thống “Tương thân, tương ái”
LSO - Để đoàn viên, công nhân, viên chức lao động (CNVCLĐ) có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh luôn tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức công đoàn.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thành Long
Gần gũi, giúp đỡ kịp thời khi khó khăn, hoạn nạn
Là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động, công đoàn các cấp luôn làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, đặc biệt quan tâm đến những lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Để làm tốt chức năng này, cán bộ công đoàn các cấp thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh sống của CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời khi đoàn viên ốm đau, hoạn nạn.
Những năm qua, việc làm này đã được các cấp công đoàn thực hiện chu đáo, các đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ khó khăn, hoạn nạn, ốm đau đều được động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Từ đầu năm 2015 đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo được hơn 2.000 suất, trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Nhân dịp khai giảng năm học mới 2015-2016, LĐLĐ tỉnh đã tiếp nhận 5.000 cuốn vở viết trị giá 15 triệu đồng từ Chương trình “Tiếp bước cho em đến trường” để trao cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở 13 điểm trường trên địa bàn huyện Bắc Sơn, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn.
Chị Hoàng Thị Yêm, công nhân Công ty TNHH Thành Long nói: “Ban giám đốc và cán bộ công đoàn công ty rất gần gũi, quan tâm đến đời sống của anh chị em công nhân trong các tổ, đội. Ai ốm đau, nhà có việc là tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ kịp thời. Chúng tôi rất yên tâm làm việc và gắn bó với công ty”.
Giúp CNVCLĐ an cư lạc nghiệp
Nhận thấy nhà ở luôn là một nhu cầu bức thiết đối với người lao động, các cấp công đoàn đã vận động đoàn viên đóng góp xây dựng quỹ “Mái ấm tình thương”, “Mái ấm công đoàn” để hỗ trợ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn xây, sửa nhà ở, ổn định cuộc sống.
Ở trong “Mái ấm tình thương” do các cấp công đoàn hỗ trợ kinh phí xây dựng, chị Triệu Thị Nhị, đoàn viên Công đoàn Cơ sở Trường Mầm non 17/10 (thành phố Lạng Sơn) vẫn chưa quên được hoàn cảnh khó khăn 4 năm về trước. Năm đó, nhà chị bị cháy rụi, vợ chồng chị và cậu con trai nhỏ phải tá túc ở nhà bà ngoại. Nhờ tổ chức công đoàn, đồng nghiệp giúp đỡ, vợ chồng chị đã xây dựng lại nhà ở, ổn định cuộc sống. Giờ đây, khó khăn đã lùi xa, vợ chồng chị yên tâm công tác, làm việc.
Chị Nhị phấn khởi nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Tôi thấy việc hỗ trợ nhà ở cho người lao động là hết sức có ý nghĩa. Vì thế trong quá trình công tác, tôi luôn đóng góp đầy đủ các quỹ xã hội từ thiện để giúp đỡ những người lao động khác vượt qua khó khăn, hoạn nạn”.
Chị Nhị là một trong rất nhiều đoàn viên, CNVCLĐ được tổ chức công đoàn quan tâm, hỗ trợ kịp thời. Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, từ năm 2008 đến nay, các cấp công đoàn đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 190 nhà ở cho CNVCLĐ với tổng số tiền trên 2,8 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, các cấp công đoàn đã trích từ quỹ “Mái ấm công đoàn” trao kinh phí xây, sửa nhà cho 28 CNVCLĐ (trị giá 885 triệu đồng). Đồng thời tiếp nhận từ Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Lao động 90 triệu đồng trao cho 3 công nhân thuộc Công đoàn ngành giao thông vận tải tỉnh.
Cùng với đó, các cấp công đoàn đã phát động và kêu gọi CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn tích cực tham gia đóng góp các quỹ xã hội từ thiện, như: “Vì người nghèo”, “Bảo trợ trẻ em”, “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”… để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2008 đến nay, CNVCLĐ trên địa bàn toàn tỉnh đã tham gia đóng góp các loại quỹ được trên 23,4 tỷ đồng.
Bà Bế Thị Hòa, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Hoạt động “Tương thân tương ái” luôn được Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đề ra trong chương trình hành động với mục đích quan tâm sâu sát về vật chất, tinh thần đối với người lao động khi gặp khó khăn đột xuất. Từ đó giúp cho đoàn viên, CNVCLĐ ngày càng gắn bó và tin tưởng vào tổ chức công đoàn.
Bài, ảnh: Ngọc Hiếu
Ý kiến ()