Các Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế
Các Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế, đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi trả lời về vấn đề khắc phục những hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo.
Sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 36 với phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai, liên quan đến các lĩnh vực: Tư pháp; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nội vụ; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Khắc phục việc bổ sung nhiều dự án luật vào chương trình sát kỳ họp
Các Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế, đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về vấn đề khắc phục những hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng; việc gửi hồ sơ chậm, không đảm bảo thời gian; bổ sung nhiều dự án luật vào chương trình sát kỳ họp, gây không ít khó khăn cho công tác nghiên cứu, thẩm tra.
Nêu con số, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2021 ban đầu trình 10 dự án luật đưa vào chương trình, sau đó bổ sung 11 dự án, đây là năm đầu nhiệm kỳ.
Đến năm 2022, trình ban đầu là 11, sau đó bổ sung 13 (lên 24 dự án). Năm 2023, ban đầu trình 14, sau đó bổ sung 12 (lên 26 dự án). Năm 2024, trình ban đầu là 16 dự án, gồm cả dự án trình Quốc hội nghe lần đầu hoặc nghe lần thứ hai để xem xét thông qua. Khả năng năm nay nếu được Quốc hội chấp thuận sẽ tăng lên 34 dự án luật. Như vậy, số lượng thay đổi rất lớn.
Theo Phó Thủ tướng, năm 2021 còn cẩn thận xem xét cả nhiệm kỳ và đồng thời định hướng xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cùng với các yếu tố bổ sung. Đến năm 2022, là “lúc đỉnh cao để đưa ra giải pháp xử lý các vấn đề liên quan đến COVID-19,” xác định các giải pháp nhãn tiền để xử lý ngay lập tức, đồng thời thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nên phải có thời gian.
Lý giải về việc đề xuất bổ sung vào chương trình rất sát với kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, điều này là do có một số nghị quyết chính sách đặc thù cho các địa phương, một số biện pháp mà Quốc hội cho xử lý tức thì để thực hiện chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.
Có hai nguyên nhân, thứ nhất là tình hình kinh tế-xã hội có thay đổi rất nhanh chóng. Thứ hai là khả năng nắm bắt trước tình hình của chúng ta còn khó; phải xử lý những vấn đề thực tiễn mà khả năng chúng ta nhận biết trong một số trường hợp còn lúng túng.
Đề cập đến các giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đầu tiên đến yếu tố kỷ luật, kỷ cương, phải chủ động hơn nữa. Các Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế và những việc đã được phân vai thì phải chủ động làm. Tiếp đến là tăng cường chất lượng nguồn nhân lực.
“Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhân lực là vấn đề cơ bản, chúng ta không dự báo được tình hình, không có thông tin, không có nguồn nhân lực đủ mạnh thì rất khó khăn. Nếu không khắc phục thì tiếp tục khó khăn nữa,” Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỗ nào có thể nới ra được, tăng cường kỷ cương, kỷ luật thì cố gắng xử lý.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, về lĩnh vực xây dựng pháp luật nói chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang chủ động phối hợp với Chính phủ để chuẩn bị tổ chức một diễn đàn đầu tiên về xây dựng pháp luật, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2025.
Phó Chủ tịch Quốc hội lý giải, nội dung chương trình có tính dự báo ít và thường xuyên quá tải liên quan đến tình hình nhiệm vụ luôn luôn thay đổi, tình hình mới, nhiệm vụ mới, yêu cầu mới, phát triển mới thì phát sinh những vấn đề mới, cho nên phải thường xuyên điều chỉnh cũng là lẽ tự nhiên, nhưng điều chỉnh thế nào cho hiệu quả.
Luật vừa thi hành đã phải sửa đổi
Tiếp tục chất vấn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) thông tin, vừa qua, báo chí liên tục đưa tin về việc Chính phủ đang ráo riết chỉ đạo xây dựng các dự án luật sửa đổi 13 luật có vướng mắc, bất cập và sẽ đề nghị Quốc hội thông qua ngay Kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Đại biểu Quốc hội và cử tri rất thắc mắc tại sao đã có định hướng chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát pháp luật cũng được làm tương đối thường xuyên.
Cả bộ máy các cơ quan từ Chính phủ, Quốc hội đều rất cố gắng, trách nhiệm, làm việc hết sức vất vả, nhưng luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí luật chưa thi hành cũng phải sửa. Nhiều địa phương, nhiều dự án, chương trình không muốn áp dụng quy định của luật mà lại đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách đặc thù, khác luật.
“Vậy, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết những việc này có nguyên nhân vì đâu, trách nhiệm của Chính phủ trong việc các luật liên tục phải sửa đổi là như thế nào và làm thế nào để cân bằng giữa tính thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật với những yêu cầu có tính đặc biệt đặc thù và có tính thời điểm,” nữ đại biểu Hà Nội chất vấn.
Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp cho hay, trước đây, năm đầu nhiệm kỳ, Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm đầu và cả nhiệm kỳ. Sau này sửa đổi, bổ sung luật và đánh giá thực tế thì thấy rằng không khả thi.
Nhiều khi đến năm thứ 3, năm cuối của nhiệm kỳ, “gần như không thấy bóng dáng ban đầu của dự án chúng ta đưa vào. Trên thực tế phải nói thật là nhiều khi làm cho xong đi và không tuân thủ hết các quy trình theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.”
Đến nhiệm kỳ này, theo sáng kiến của Quốc hội, Chính phủ cũng đã đóng góp một phần hết sức quan trọng là xây dựng định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ. Bộ Chính trị ra Kết luận 19 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch 81.
Ban đầu đưa vào chương trình 106 dự án luật, pháp lệnh và theo đánh giá sơ bộ của Chính phủ, đến nay đã thực hiện được hoặc đã trình Quốc hội xem xét thông qua, hoặc đã và đang ở trong chương trình và dự kiến sẽ trình khoảng 80%.
Tuy nhiên, vừa rồi lại bổ sung 17 dự án mới vào định hướng chương trình này. “Kể cả 17 dự án mới này cũng chưa xử lý hết được những cái mà chúng ta muốn xử lý do thực tiễn phát sinh,” Phó Thủ tướng nêu.
Theo ông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thành lập tổ rà soát, Ban chỉ đạo rà soát tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua 2 luật sửa đổi, bổ sung các luật khác nhau.
Dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan để thực hiện Luật Quy hoạch.
Nhóm thứ hai là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Chứng khoán.
“Lý do thứ nhất là do đòi hỏi thực tiễn và các giải pháp để xử lý, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Thứ hai là chủ quan ở chỗ chúng ta nhận thức chưa hết,” nêu nguyên nhân phải sửa các luật, Phó Thủ tướng dẫn chứng, khi trình các dự án luật, có những ý kiến chuyên gia cho rằng nên chăng các luật đầu tư ghép lại với nhau.
Luật Ngân sách nhà nước, cách đây hai nhiệm kỳ, khi đó chúng ta thực hiện nguyên tắc hiến định là ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo…
Trước đây, chủ thuyết của chúng ta là như vậy, nhưng bây giờ tình hình thay đổi, “có những vấn đề chúng ta đang để xử lý thực tế khác một chút so với quan niệm ban đầu,” đó là lý do phải có cái điều chỉnh.
Phó Thủ tướng cũng thừa nhận có nguyên nhân chủ quan là sự chưa chủ động của các bộ, các ngành./.
Ý kiến ()