Các Big Tech có "lũng đoạn" thế giới?
Ảnh hưởng ngày càng lớn của các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) trên thế giới như: Alphabet (công ty mẹ của Google), Apple, Amazon, Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram, Threads, WhatsApp), Microsoft… đang tạo ra vị thế chưa từng có trên phạm vi toàn cầu.
Theo trang tin Pravda, các Big Tech này có quyền lực ngang với vị thế của một quốc gia, với mức lợi nhuận họ thu được còn “khủng” hơn GDP của một nước. Các nền tảng mạng xã hội do họ tạo ra gắn kết hàng tỷ người dùng và dữ liệu về những người dùng này được ví như “vàng mười” thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Thế giới từng chứng kiến lãnh đạo các cường quốc tiếp đón nồng nhiệt các ông chủ Big Tech như Jeff Bezos, Bill Gates và Mark Zuckerberg. Nhiều chính phủ còn mở đại diện ngoại giao tại thủ phủ công nghệ-Thung lũng Silicon, bang California, Mỹ.
Thực tế cho thấy, nhờ các nền tảng mạng xã hội mà Alphabet, Apple, Microsoft và Meta thu được khối lượng dữ liệu khổng lồ về người dùng và hành vi của họ trên internet, từ đó tạo ra nguồn lợi nhuận trị giá hàng tỷ USD. Năm 2022, lợi nhuận ròng của 4 tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ vượt xa lợi nhuận của 5 gã khổng lồ trong ngành năng lượng tới 41%. Cụ thể, Apple, Microsoft, Alphabet và Meta thu được tổng cộng 255,7 tỷ USD lợi nhuận, so với con số 180 tỷ USD của cả Chevron, ExxonMobil, Shell, BP và TotalEnergies cộng lại.
Trong vài năm gần đây, ảnh hưởng của các Big Tech đã trở nên rõ ràng đến mức các nước phát triển bắt đầu xây dựng khung pháp lý để giảm thiểu những ảnh hưởng này. Hồi tháng 9, Liên minh châu Âu công bố một loạt quy định mới về cạnh tranh nhằm phá vỡ thế độc quyền trên nền tảng kỹ thuật số đối với 6 Big Tech: Alphabet, Amazon, Apple, ByteDance, Meta và Microsoft.
Nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Meta Mark Zuckerberg trong một cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP |
5 năm qua, thuật ngữ “ngoại giao công nghệ” cũng đã kịp trở nên phổ biến. Do ảnh hưởng ngày càng tăng của công nghệ kỹ thuật số đối với chính trị toàn cầu và quan hệ quốc tế, đã có những thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động ngoại giao của nhiều quốc gia. Các nước bắt đầu bổ nhiệm đại diện ngoại giao tại Thung lũng Silicon, với Đan Mạch là nước dẫn đầu vào năm 2017. Ngoại trưởng Đan Mạch khi đó là ông Anders Samuelsen nhận định: “Google, IBM, Apple và Microsoft lớn đến mức sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng của họ vượt xa nhiều quốc gia nơi chúng tôi có đại sứ quán truyền thống”. Tới năm 2022, đã có 19 “nhà ngoại giao công nghệ” được các nước bổ nhiệm tại Thung lũng Silicon.
Kể từ đó, những gã khổng lồ công nghệ đã trở thành “những người chơi tầm cỡ” tương đương vị thế của một quốc gia. Theo VOA, cuộc gặp giữa người sáng lập Meta Mark Zuckerberg với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay tỷ phú Elon Musk với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan “có thể có tác động đến các quốc gia này không kém gì chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia”.
Xung đột và chiến tranh góp phần đưa vị thế của các Big Tech ngày càng lên cao. Đơn cử như trong cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk sở hữu mạng lưới vệ tinh liên lạc Starlink có lúc từng “chiếm sóng” mọi quan tâm của dư luận thế giới khi quyết định hỗ trợ liên lạc cho Kiev. Cũng chính SpaceX, khi “làm mình làm mẩy” đòi chính phủ Mỹ trả tiền sử dụng thiết bị đầu cuối Starlink ở Ukraine, đã trở thành một thách thức chưa có tiền lệ: Đó là việc tác động vào cuộc đối đầu quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai có thể phụ thuộc vào quyết định cá nhân của một trong những người giàu nhất thế giới.
Sự bùng nổ và phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) càng làm gia tăng mức độ ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ, bởi phần lớn hoạt động nghiên cứu và phát triển AI diễn ra trong khu vực tư nhân. Việc phát triển AI đòi hỏi lượng lớn dữ liệu, sức mạnh tính toán và tiền bạc-những nguồn tài nguyên mà các Big Tech có thừa khả năng đáp ứng, so với khả năng hữu hạn của các tổ chức phi lợi nhuận hoặc các viện nghiên cứu. Các quốc gia bắt đầu mất đi quyền kiểm soát tiềm năng khoa học khi nhiều nhà khoa học tên tuổi được trả lương cao để làm việc cho Big Tech với cơ hội đầy hứa hẹn cùng mạng lưới cơ sở dữ liệu khổng lồ mà các trường đại học hay viện nghiên cứu không thể có được.
Bất chấp nỗ lực phá bỏ độc quyền về công nghệ số, cũng như nỗ lực kiểm soát sự phát triển của AI ở nhiều quốc gia, các Big Tech vẫn đang nắm trong tay quyền lực rất lớn, tạo ra thách thức đặc biệt đối với các chính phủ toàn cầu.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/cac-big-tech-co-lung-doan-the-gioi-747260
Ý kiến ()