LSO-Theo đánh giá của ngành y tế Lạng Sơn, quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế ban hành kèm theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT, ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hình ảnh của người thầy thuốc. Sử dụng thiết bị mới trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện huyện Tràng ĐịnhCó con nhỏ nghi bị bệnh chân tay miệng, đưa con về khám tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn, chị Nguyễn Thu Hiền ở thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) khá hoang mang. Song khi được các nhân viên y tế đón tiếp, động viên, chị đã yên tâm đưa con vào điều trị tại khoa Nhi. Ở đây, các bác sĩ đã tận tình điều trị, tư vấn cách chăm sóc con trẻ, chị lại càng thấy tác dụng của sự niềm nở ân cần của cán bộ y tế đối với người bệnh. Chị nói rằng, có lẽ đây chính là “liều thuốc” không có trong “đơn”của các bác sĩ.Bác sĩ Đoàn Thế Mỹ, Giám đốc BVĐK cho biết, trong điều kiện bệnh...
LSO-Theo đánh giá của ngành y tế Lạng Sơn, quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế ban hành kèm theo Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT, ngày 18/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hình ảnh của người thầy thuốc.
Sử dụng thiết bị mới trong khám chữa bệnh tại Bệnh viện huyện Tràng Định
Có con nhỏ nghi bị bệnh chân tay miệng, đưa con về khám tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn, chị Nguyễn Thu Hiền ở thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) khá hoang mang. Song khi được các nhân viên y tế đón tiếp, động viên, chị đã yên tâm đưa con vào điều trị tại khoa Nhi. Ở đây, các bác sĩ đã tận tình điều trị, tư vấn cách chăm sóc con trẻ, chị lại càng thấy tác dụng của sự niềm nở ân cần của cán bộ y tế đối với người bệnh. Chị nói rằng, có lẽ đây chính là “liều thuốc” không có trong “đơn”của các bác sĩ.
Bác sĩ Đoàn Thế Mỹ, Giám đốc BVĐK cho biết, trong điều kiện bệnh viện luôn quá tải, thì một lời nói nhẹ nhàng, một sự động viên kịp thời của thầy thuốc cũng tạo được sự thông cảm nơi người bệnh. Vì vậy, song song với đầu tư, bố trí nơi chờ đợi có ghế ngồi thoải mái, có ti vi xem để người dân đỡ sốt ruột, BV đã bố trí một đội ngũ cán bộ nhân viên đón tiếp bệnh nhân chu đáo. Sau khi người bệnh xuất trình các giấy tờ cần thiết sẽ được người hướng dẫn đưa đến từng khoa phòng. Trong “công đoạn” này, đội ngũ sinh viên thực tập của Trường Cao đẳng Y Lạng Sơn đã giúp BV rất nhiều. Có nơi đón tiếp, có người hướng dẫn, bệnh nhân và người nhà của họ cứ yên tâm theo chỉ dẫn. Vì vậy, mặc dù đông bệnh nhân, nhưng trong BV luôn giữ được trật tự, tình trạng tiêu cực vì vậy cũng được hạn chế rất nhiều.
Đối với các BV tuyến huyện, do giai đoạn từ năm 2008-2010, nhiều BV trong thời kỳ mở rộng, nâng cấp, nên rất khó bố trí nơi đón tiếp bệnh nhân. Hiện nay, khi đã được xây dựng khang trang, thì việc thực hiện quy tắc ứng xử đã đi vào nền nếp. Giám đốc BV huyện Tràng Định nói rằng “BV đã khang trang, các trang thiết bị ngày càng hiện đại, thì đội ngũ cán bộ, nhân viên cũng phải tự nâng cao trình độ chuyên môn, nhân thức để theo kịp đà tiến bộ chung của ngành, và như vậy, chính bệnh nhân và người nhà của họ được hưởng lợi”.
Trong 4 điều của bộ quy tắc ứng xử do Bộ Y tế ban hành, điều mà cán bộ, viên chức trong các BV công dễ vi phạm nhất và người dân dễ nhận biết nhất, chính là sự ứng xử của cán bộ y tế với người bệnh và gia đình của họ. Đã từ rất lâu, khi chúng ta bước vào kinh tế thị trường, thì chính mặt trái của nó đã khiến cho một số nhân viên y tế nảy sinh thói cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây khó khăn cho bệnh nhân và gia đình của họ; có thái độ, cử chỉ gợi ý nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình của họ. Sự xói mòn về y đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ viên chức ngành y tế đã làm giảm lòng tin của xã hội vào ngành. Thậm chí, đã có nhiều ca bệnh là hậu quả của sự vô trách nhiệm của người thầy thuốc. Lý giải vấn đề này, nhiều người cho rằng, sự quá tải ở BV, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và trang thiết bị yếu kém, thu nhập của viên chức ngành y tế thấp… là nguyên nhân trực tiếp của các hành vi sai trái. Tuy vậy, trong khó khăn vẫn xuất hiện nhiều gương cán bộ thầy thuốc giỏi, tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Chính họ đã tiếp nối truyền thống, tôn chỉ của người thầy thuốc Việt Nam mà Hải thượng Lãn Ông là người sáng lập; là kết quả của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, mà cụ thể là việc học tập 12 điều y đức.
Tuy vậy, tại một số BV, nhất là tuyến huyện, phòng khám ĐKKV, trạm y tế xã vẫn còn gặp những cán bộ y tế không mặc trang phục, mũ, khẩu trang, đeo thẻ; thái độ ứng xử thiếu hòa nhã, văn minh. Đây là biểu hiện cụ thể của sự tùy tiện, phong cách “lệch chuẩn”, thiếu khoa học của y tế cơ sở. Vì lợi ích nhỏ nhặt trong việc khám và điều trị theo kênh BHYT, một số bệnh viện tuyến huyện đã có hành vi trì hoãn, gây khó khăn cho người bệnh BHYT khi họ có nguyện vọng chuyển tuyến… Đây chính là những vấn đề mà ngành y tế cần chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.
Trần Kim
Ý kiến ()