Các ấn phẩm báo chí với đồng bào dân tộc thiểu số
LSO- Sau gần 5 năm thực hiện, chính sách hỗ trợ cấp phát báo, tạp chí không thu tiền cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã phát huy kết quả tích cực. Không chỉ giúp thay đổi nhận thức, hành động của bà con mà còn là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Nhiều năm gần đây, chị Nguyễn Thị Hương, người dân xã Thành Hòa, huyện Văn Lãng luôn quan tâm đón đọc các báo, tạp chí tại điểm văn hóa xã. Được biết, sau khi triển khai chương trình, chị Hương có cơ hội tiếp cận với nhiều loại báo. Chị chia sẻ: từ thông tin của báo chí, tôi nhận thức được tác dụng lâu dài của hầm biogas trong sản xuất cũng như sinh hoạt. Gia đình tôi mạnh dạn học hỏi và đầu tư xây dựng hầm biogas sử dụng chất thải chăn nuôi. Nhờ vậy có thể đun nấu thoải mái, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan xung quanh.
Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có gần 4 triệu tờ báo, tạp chí các loại được cấp phát. Riêng trong 6 tháng đầu năm đã tiến hành phân bổ trên 850.000 tờ báo và tạp chí. Theo thống kê, các ấn phẩm báo chí đã và đang phát huy hiệu quả. Nội dung ngày một đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối của Nhà nước, biểu dương điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất, chia sẻ cách làm hay, việc làm tốt, thông tin thời sự…
Đồng bào dân tộc xã Nhất Tiến (Bắc Sơn) tìm hiểu thông tin qua báo
Đánh giá về hiệu quả của việc cấp phát báo và tạp chí, ông Triệu Sành Lẩy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: các ấn phẩm đã đáp ứng nhu cầu thông tin về mọi mặt đời sống, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào. Từ đó huy động được các tầng lớp nhân dân cùng chung sức thi đua thực hiện các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Ngoài ra, đây cũng là kênh tương tác để chuyển tải ý kiến của bà con tới chính quyền, kịp thời định hướng dư luận khi có những thông tin sai lệch.
Là địa bàn trọng yếu với đường biên giới dài tiếp giáp với nước Trung Quốc, việc thực hiện các chính sách dân tộc tại huyện Tràng Định luôn được quan tâm triển khai. Ông Triệu Hữu Hương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tràng Định cho biết: Sau khi nắm được những thông tin thời sự, kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là chính sách mới, các cán bộ xã, người có uy tín, trưởng thôn luôn kịp thời phổ biến cho nhân dân tại những buổi sinh hoạt cộng đồng. Nhờ vậy, bà con đã biết lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của địa bàn như: trồng thông, thạch đen, làm kinh tế tổng hợp. Đồng thời luôn phát huy tinh thần đoàn kết, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay công tác cấp phát báo, tạp chí còn tồn tại nhiều khó khăn như: không đủ điều kiện bảo quản dẫn đến ấn phẩm ẩm mốc; việc chuyển phát đến các đối tượng còn chậm trễ do giao thông không thuận tiện. Để khắc phục những điều này, thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra việc cấp phát, rà soát đối tượng; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành với UBND cấp huyện, xã trong việc quản lý các ấn phẩm báo chí.
Theo Quyết định 2472 và 1977/QĐ-TTg, toàn tỉnh có 19 loại đầu báo được cấp phát miễn phí như: Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Văn hóa, Báo Nông nghiệp, Báo Phụ nữ, Báo Đại đoàn kết, Báo biên phòng… Đối tượng được thụ hưởng là người có uy tín, trưởng thôn, UBND huyện và xã, trường học, các tổ chức chính trị xã hội.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()