Chi phí đầu tư tăng “phi mã”
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu cá tra tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ đầu tuần thứ hai của tháng 3 này (từ ngày 8-3 đến nay) giá ca tra nguyên liệu trên địa bàn tăng trở lại. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu thịt trắng loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (900 gr/con) dao động từ 26.000 – 27.500 đồng/kg; cá quá lứa (size up) khoảng 24.000 – 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, người đang có cá tra lứa trong ao hầm sẽ có thể hy vọng có lời, còn người có cá tra sắp thu hoạch bán ngay lời đến 4.000 đồng/kg, nhưng nếu đầu tư thả nuôi mới thì không mấy khả quan.
Từ ảnh hưởng của việc phát triển thiếu quy hoạch dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa cá tra những năm 2007-2008 đã để lại hậu quả nặng nề cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL, khiến họ không còn vốn tái nuôi vào những năm tiếp sau. Nhiều người càng cố bám víu con cá tra để mong cơ hội gỡ gạc thì nợ nần càng chồng chất, ao hầm bị “treo”.
Năm 2010, diện tích nuôi cá tra thịt ở tỉnh An Giang chỉ còn 999 ha, giảm 119 với sản lượng 231.000 tấn, giảm khoảng 14.000 tấn so với năm 2009. Thời gian gần đây giá cá tra nguyên liệu trong nước liên tục tăng và hiện ở mức cao 27.000 đồng/kg. Đây là cơ hội tốt để một số hộ nuôi có cá sắp thu hoạch gỡ gạc cho những vụ mùa thua lỗ các năm trước.
Ông Trần Văn Lý, người nuôi cá tra ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết hiện giá cá tra giống đã tăng gấp đôi so với năm ngoái trong khi chất lượng thì ngược lại. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Lý phân tích: “Chất lượng cá tra giống kém gây hao hụt, làm kéo dài thời gian nuôi và làm tăng các chi phí khác. Giá một con cá giống cỡ 2 phân (2 cm) hiện khoảng 2.000 đồng/con, tỉ lệ hao hụt là 50%, tức là thả hai con cá tra giống chỉ còn lại một con, giá con giống sẽ đội lên 4.000 đồng. Mặt khác, nếu vừa thả cá giống chết ngay thì còn đỡ, vài tháng mới chết thì chi phí thiệt hại còn cao hơn vì tốn tiền thức ăn”.
Còn ông Võ Văn Đệ, người nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá tra thương phẩm ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt cho biết, giá thức ăn nuôi cá tra cũng đã rục rịch tăng và dự báo tăng 10%. Ông làm bài tính chi tiết: Với loại thức ăn 26% đạm có giá 10.000 đồng/kg hiện nay, thì để chuyển hóa được một kg cá tra thịt cần đến khoảng 2 kg thức ăn, tức giá thành đã 22.000 đồng/kg. Chi phí nhân công, thuốc thú y thủy sản, điện, nước… tối thiểu cũng chiếm đến 10% chi phí thức ăn, tương đương 2.200 đồng/kg. Lãi suất vay ngân hàng hiện nay khoảng 20% /năm, một vụ nuôi cá tra 6 tháng, thì lãi suất chiếm 10%, tính ra đã 1.100 đồng/kg cá …
“Như vậy, chi phí đầu tư nuôi mới một ký cá tra thịt không dưới 27.000 đồng. Nếu giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức này thì may ra huề vốn, còn giá giảm sẽ lỗ… “sặc máu” – ông Đệ kết luận. Còn theo tính toán của các chuyên gia thủy sản, chi phí đầu tư cho 100 tấn cá tra đã và đang tăng với tốc độ “phi mã”, từ 1,5 tỷ đồng vào năm 2010 lên 2,5 tỷ đồng vào thời điểm hiện nay.
Giá cá nguyên liệu sẽ biến động
Từ hạch toán chi tiết trên cho thấy với mức giá cá tra nguyên liệu cao như hiện nay vẫn không đủ hấp dẫn người nuôi quay lại tái đầu tư thả mới. Mặc khác, tình trạng bất ổn về giá thu mua nguyên liệu của các nhà máy chế biến những năm qua đã đẩy người nuôi cá tra vào tình trạng thua lỗ kéo dài, nhiều người phá sản, trắng tay dù trước đó cũng nhanh chóng giàu lên thành tỷ phú từ con cá tra.
Theo cách nói của người nuôi cá tra thì nghề này hiện nay quá mạo hiểm, rủi ro cao, thua lỗ cứ chực chờ phía trước vì hầu hết doanh nghiệp đều “nắm cán” trong việc quyết định thu mua cá nguyên liệu của nông dân. Tính cho cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều nhất vì vừa phải gánh lãi ngân hàng, vừa bị doanh nghiệp chiếm dụng vốn (tiền mua cá trả chậm từ 30-45 ngày mới thanh toán đủ)… khiến ngày càng có nhiều người quay lưng với nghề nuôi cá tra.
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch AFA cho biết, năm 2010 là năm đánh dấu sự gia tăng các rào cản thương mại và phi thương mại với sản phẩm thủy sản Việt Nam. Nếu đạo luật chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa Việt Nam lên đến 130% tại thị trường Mỹ có hiệu lực có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường cá tra nguyên liệu trong nội địa. Giá cá nguyên liệu có thể quay đầu giảm mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia thủy sản, ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là các rào cản thương mại. Tỉnh An Giang có diện tích nuôi cá tra trên dưới 1.000 ha nhưng diện tích “treo” ao thường xuyên ở vào mức 30-40%, cao điểm lên đến 60%. Còn ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ, cho biết dù giá cá tra nguyên liệu cao như hiện nay vẫn không thể kéo người nuôi quay lại với con cá tra. Năm 2011, diện tích nuôi cá tra vẫn ở mức 775 ha mặt nước, sản lượng 140 nghìn tấn, không biến động.
Ý kiến ()