Cá tầm Nga trên hồ thủy điện Vĩnh Sơn
Cá tầm Nga sau một năm thả nuôi có trọng lượng bình quân 2,5 kg. Trong số các món ăn đặc sản của Nga, món được thế giới biết đến nhiều nhất, chiếm vị trí cao nhất trên thực đơn của giới sành ăn chính là trứng cá tầm đen - Black Caviar. Thịt cá tầm cũng là loại thực phẩm cao cấp. Từ nước Nga xa xôi, loại cá quý này hiện nay đã được đưa về nuôi tại lòng hồ Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn, làng K3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Cá tầm Nga đang sinh trưởng, phát triển tốt, mở ra hy vọng về một nghề mới cho người dân nơi đây.Chúng tôi đến hồ A Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn những ngày đầu mùa hè. Lúc này nhiệt độ ở Quy Nhơn xấp xỉ 40 độ C, nhưng tại Vĩnh Sơn thời tiết mát mẻ dễ chịu, nhiệt độ lúc cao nhất chỉ gần 30 độ. Vĩnh Sơn nằm cách thành phố Quy Nhơn hơn 100 km về phía tây, giáp với tỉnh Gia Lai. Anh Bùi Đức Tâm, kỹ sư ngư y, Phó Giám đốc Công ty TNHH...
Cá tầm Nga sau một năm thả nuôi có trọng lượng bình quân 2,5 kg. |
Chúng tôi đến hồ A Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn những ngày đầu mùa hè. Lúc này nhiệt độ ở Quy Nhơn xấp xỉ 40 độ C, nhưng tại Vĩnh Sơn thời tiết mát mẻ dễ chịu, nhiệt độ lúc cao nhất chỉ gần 30 độ. Vĩnh Sơn nằm cách thành phố Quy Nhơn hơn 100 km về phía tây, giáp với tỉnh Gia Lai. Anh Bùi Đức Tâm, kỹ sư ngư y, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV cá tầm Bình Định, đưa chúng tôi đi thăm cơ sở nuôi cá tầm của công ty. Trước mắt chúng tôi là một giàn lồng bè bằng thép vững chãi dài hơn 300 m, bồng bềnh trên mặt hồ. Các cán bộ kỹ thuật, bác sĩ ngư y, nhân viên của công ty người đan lưới, người cho cá ăn, người chữa bệnh cho cá… rất chăm chú và chuyên nghiệp. Anh Tâm cho biết: “Hồ A Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn nằm ở độ cao 776 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình của nước hồ: 22 – 25 độ, chất lượng nước tốt và phù hợp với đặc tính sinh học của các loại cá tầm. Khí hậu ở Vĩnh Sơn mát mẻ, hồ thủy điện có nguồn nước dồi dào, nước sâu và trong lành; các yếu tố sinh, lý, hóa trong nước ổn định, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cá tầm Nga. Bởi vậy, việc đầu tư nuôi cá tầm Nga tại đây có triển vọng tốt. Hiện lứa cá đầu tiên thả nuôi đã đạt trọng lượng bình quân 2,5 kg. Công ty chúng tôi hiện nay có các cơ sở tương tự ở thủy điện Đa Mi – Bình Thuận, Đà Lạt, Đác Lắc và Bắc Giang nhưng cá tầm Nga ở đây phát triển tốt nhất. Các chuyên gia đánh giá cao tính hiệu quả của dự án. Cá có tốc độ tăng trưởng tốt, không tốn nhiều thức ăn, tỷ lệ sống cao, ít bệnh tật, bảo đảm giữ sạch môi trường…”.
Cá tầm Nga có nguồn gốc xứ ôn đới là loại rất khó nuôi ở xứ nhiệt đới và rất dễ bị chết khi thức ăn không bảo đảm khẩu phần và độ dinh dưỡng; nguồn nước bị thay đổi đột ngột… Bởi vậy, chúng cần được chăm sóc đặc biệt. Tại đây, để chăm sóc 50 nghìn con cá tầm đã thả nuôi trong 120 lồng bè, công ty có đội ngũ cán bộ, nhân viên hơn 40 người, gồm bốn kỹ sư, ba bác sĩ ngư y và 33 công nhân, làm việc dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Nga. Từ sáng sớm, họ đã có mặt trên các lồng bè, chia thành nhiều nhóm để chăm sóc cá. Nhóm tiến hành kiểm tra độ an toàn của toàn bộ lồng cá và lưới; nhóm khác pha trộn thức ăn và cho cá ăn theo khẩu phần cho từng loại cá đã được phân loại và thả nuôi ở từng ô lồng khác nhau. Một nhóm trong trang bị của thợ lặn, lặn xuống ô lồng sâu 5 m để kiểm tra sức khỏe của cá. Một nhóm tắm cho cá bằng hóa chất để khử khuẩn và các ký sinh trùng, đồng thời làm sạch môi trường nước. Các công đoạn chăm sóc cá được triển khai kỹ lưỡng và rất khoa học. Khi một con cá có triệu chứng khác thường, chúng được vớt lên và được bác sĩ ngư y chăm sóc với chế độ đặc biệt…
Theo kỹ sư ngư y Bùi Đức Tâm: Khi đưa giống về, phải thả vào bể composite ở nhiệt độ 19 độ C trong khoảng nửa ngày để cá quen với môi trường rồi mới thả xuống bè nuôi. Thức ăn cho cá cũng phải đặt hàng riêng từ các nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp danh tiếng. Cá ăn liên tục tám lần/ngày, kể cả ban đêm. Sau 10 ngày phải tắm cá bằng thuốc để loại bỏ ký sinh. Lưới bao quanh bè và máng ăn cũng được vệ sinh diệt khuẩn 15 ngày/lần.
Chị Đinh Thị Loang cho biết: “Trước đây gia đình mình và các gia đình ở làng K3 này khổ lắm, làm không đủ ăn. Từ ngày công ty nhận mình vào làm công nhân, có việc làm thường xuyên, một tháng thu nhập gần 4 triệu đồng. Cuộc sống gia đình mình và nhiều gia đình khác nay đã hết khổ rồi. Nghe nói công ty còn đang mở rộng, sẽ có thêm việc làm cho hàng trăm người nữa nên đồng bào ở đây phấn khởi lắm”.
Giám đốc Công ty TNHH MTV cá tầm Bình Định Nguyễn Bá Phượng, cho biết: “Từ 19-5-2012, công ty đã thả nuôi 50 nghìn cá giống (20 gr/con). Sau một năm, đàn cá đạt trọng lượng trung bình 2,5 kg/con. Để triển khai dự án đạt kết quả mong muốn, chúng tôi có chế độ trả lương phù hợp và động viên các cán bộ, công nhân kỹ thuật lành nghề từ miền xuôi lên miền ngược làm việc và cống hiến. Công ty quan tâm đến việc tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn nên ưu tiên tuyển dụng và đào tạo lực lượng lao động tại chỗ là người Ba Na; mời các chuyên gia người Nga sang giúp đỡ để bảo đảm các yếu tố công nghệ đạt mức tối ưu; áp dụng tối đa các phương tiện và trang bị kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Chúng tôi đã xây dựng xong dự án phát triển nuôi cá tầm tại Vĩnh Sơn với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng trong vòng 10 năm, từ năm 2011 đến 2020. Công ty sẽ thuê 15 ha mặt nước hồ A thủy điện Vĩnh Sơn và 5 ha đất trên bờ để đầu tư nuôi và chế biến thịt, trứng cá tầm tại chỗ để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hiện chỉ mới có 120 lồng bè, nhưng chúng tôi sẽ lắp hệ thống giàn lồng với 1.000 ô với quy cách mỗi lồng rộng 38 m2 và sâu 5 m”.
Theo đó, tại đây sẽ có một trung tâm nuôi – chế biến và khai thác tổng hợp tất cả lợi ích từ cá tầm. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2011 – 2020, công ty ổn định tổng sản lượng cá trong hồ là 1.000 tấn, trong đó 840 tấn cá tầm thịt và 160 tấn cá tầm nuôi để lấy trứng. Dự tính, đến năm 2020, tổng doanh thu của công ty sẽ đạt khoảng 500 tỷ đồng, nộp ngân sách 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động tại chỗ. Hằng năm thả nuôi bổ sung vài trăm nghìn con cá tầm giống. Chuẩn bị xây dựng các nhà xưởng ấp trứng và nuôi dưỡng cá giống. Xây dựng xưởng trú đông nhân tạo và xưởng thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm cá tầm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()