Cà phê Việt: Khâu giá trị nhất lại chiếm phần ít nhất
Làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam xuất khẩu là nội dung chủ yếu được bàn bạc trong “Hội thảo phát triển ngành cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế” tại TP. Ban Mê Thuột, Đắk Lắk.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng công suất cà phê chế biến sâu chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng cà phê cả nước và chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đây là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70-100 triệu đồng/tấn quy nhân (giá nhân là 38-40 triệu đồng/tấn) và cũng là mặt hàng có cơ cấu thấp nhất của ngành cà phê Việt Nam hiện nay.
Theo ông Nguyễn Đức Phong, Uỷ viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, để nâng cao vị thế và giá trị gia tăng cho cây cà phê, chúng ta cần hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị. Đó là gây dựng các liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh từ cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm đầu ra và chú trọng khâu bảo quản, chế biến, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại.
Trong quá trình liên kết phải chú trọng đến phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, trong đó, xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp theo hướng liên kết doanh nghiệp – nông dân, nông dân-nông dân và doanh nghiệp-doanh nghiệp.
Cụ thể, cần thúc đẩy dự án VnSAT “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” với 69.000 ha cà phê canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng lợi nhuận cho nông dân, tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm cà phê; tăng cường các dự án liên kết giữa các bên như dự án NESCAFÉ Plan của Nestlé đã cung cấp hơn 15 triệu cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho nông dân, đồng thời hỗ trợ 50% kinh phí giống cây cà phê trồng mới tới nông dân khu vực Tây Nguyên, góp phần đáng kể vào hoạt động tái canh vườn cà phê già cỗi…
Tiếp tục hỗ trợ nông dân, duy trì và thúc đẩy cà phê có chứng nhận, đảm bảo bền vững lâu dài về mặt môi trường, kinh tế – xã hội, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất bền vững vào thực tiễn. Đồng thời, khuyến khích các công ty chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư và liên kết với các hộ sản xuất cà phê và lập hệ thống đại lý thu mua, xây dựng nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại chế biến cà phê nhân xô đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu cho các nhà tiêu thụ, các nhà máy rang xay quốc tế.
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), về lâu dài để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển ngành cà phê bền vững, vấn đề chất lượng của các sản phẩm cà phê phụ thuộc rất nhiều vào cây giống. Chính vì vậy cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các bên như Nhà nước-doanh nghiệp-nhà khoa học-nông dân để hoàn thành đề án tái canh cây cà phê các tỉnh Tây Nguyên (vùng nguyên liệu chính của ngành cà phê Việt Nam) từ 2014-2020 cho khoảng 120.000 ha.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích các dự án sản xuất cà phê bền vững, các chương trình sản xuất cà phê bền vững theo các bộ quy tắc của VietGAP, Utz certify, 4C, Rainforest Alian… có truy nguyên nguồn gốc để bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của thị trường quốc tế, từ đó góp phần tăng giá trị gia tăng cho sản xuất và chế biến cà phê Việt Nam.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()