Cả nước triển khai các biện pháp cấp bách dập dịch tả lợn châu Phi
Đến nay, DTLCP đã xuất hiện tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của bảy tỉnh, thành phố.
Lây lan nhanh chóng ở phía bắc
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, bệnh DTLCP đã xuất hiện tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của bảy tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy là 4.231 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là hơn 297 tấn.
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên, bệnh DTLCP xảy ra tại 57 hộ, năm huyện (toàn bộ 2.323 con lợn dương tính với bệnh được tiêu hủy bằng phương pháp chôn). Tại tỉnh Thái Bình, bệnh DTLCP xảy ra tại 101 hộ, ba huyện (toàn bộ 1.118 con lợn dương tính với bệnh được tiêu hủy bằng phương pháp chôn). Tại TP Hải Phòng, bệnh DTLCP xảy ra tại 38 hộ, hai huyện (toàn bộ 424 con lợn dương tính với bệnh được tiêu hủy bằng phương pháp chôn). Tại tỉnh Thanh Hóa, bệnh DTLCP xảy ra ở một hộ chăn nuôi thuộc xã Định Long, huyện Yên Định (toàn bộ 226 con lợn dương tính với bệnh được tiêu hủy bằng phương pháp chôn).
Tại TP Hà Nội, bệnh DTLCP được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, Phường Ngọc Thụy, Long Biên (toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh được tiêu hủy bằng phương pháp chôn). Tại tỉnh Hà Nam, bệnh DTLCP được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng (toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh được xử lý bằng phương pháp chôn). Tại tỉnh Hải Dương, bệnh DTLCP được phát hiện tại ba hộ chăn nuôi lợn tại xã Hiến Thành, huyện Kim Môn (toàn bộ 107 con lợn dương tính với bệnh được xử lý bằng phương pháp chôn).
Theo Cục Thú y, kết quả kiểm tra gene của virus DTLCP gây bệnh trên lợn tại Việt Nam cho thấy giống 100% chủng virus DTLCP gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.
Nhận định về nguyên nhân lây lan nhanh của dịch, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: do việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía bắc vào dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 và lưu lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều cho nên rất có thể mầm bệnh DTLCP đã vào Việt Nam bằng con đường này. Mặt khác, một số nước gần Việt Nam có thể đã có DTLCP nhưng chưa báo cáo, thông tin chính thức cho nên chưa tổ chức có hiệu quả các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan….
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số lợn mắc bệnh DTLCP đã tiêu hủy là 4.231 con.
Tăng cường giám sát dịch bệnh
Theo Cục Thú y, kết quả nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch ở Trung Quốc đã chỉ ra ba nguyên nhân chính làm bệnh DTLCP lây lan, cụ thể: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống, các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, virus chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh sang các loài động vật khác, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%. Theo Cục Thú y, bệnh DTLCP lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn nhưng không lây nhiễm và gây bệnh ở người. Virus có sức đề kháng cao, tồn tại lâu trong môi trường và trong các sản phẩm làm từ lợn.
Về nguồn lây lan, bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,..).
Ngoài ra, quá trình lây nhiễm còn thông qua các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Thế giới chưa có vaccine phòng bệnh, cũng như chưa có thuốc điều trị bệnh. Không những vậy, hiện nay, thời tiết tại các tỉnh phía bắc biến đổi bất lợi, rét và mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan.
Trước dịch bệnh nguy hiểm, để khống chế dịch lây lan, Bộ NN-PTNT đã thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành để đi ngăn chặn DTLCP, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương trọng điểm (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam) kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện các biện phòng, ngăn chặn dịch bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam.
Ngày 2-3, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp đến TP Hải Phòng để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch DTLCP. Theo đó, tất cả số lợn bị mắc bệnh DTLCP sẽ được tiêu hủy bằng phương pháp chôn sâu 3-4 m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột chuồng trại, khu chăn nuôi và các khu vực lân cận.
Mới đây nhất, ngày 4-3, Bộ NN-PTNT đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến triển khai giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trực tiếp dự và chỉ đạo hội nghị.
Quảng Ninh tích cực triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người chăn nuôi
Bộ NN-PTNT khuyến cáo, việc đào hố chôn lấp phải đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE): sâu tối thiểu 3 m, nên sử dụng vôi cục, khu chôn lấp phải bảo đảm xa nguồn nước chung, xa khu dân cư và phải được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt. Bộ NN-PTNT lo ngại, nếu các địa phương không kiểm soát tốt dịch bệnh thì ngành chăn nuôi lợn nước ta sẽ chịu thiệt hại rất lớn, xuất khẩu thịt lợn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Cùng các biện pháp phòng chống dịch thì chính sách hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy, giúp ổn định tâm lý người chăn nuôi là hết sức quan trọng.
Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38 nghìn đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27 nghìn đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ gặp vướng mắc vì theo quy định, người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các nội dung này không khả thi vì cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký nuôi lợn; thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian, người dân bán lợn bệnh, lợn nghi bệnh mà không báo cáo chính quyền và cơ quan thú y.
Do đó, Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo; trong quá trình triển khai phải bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()