Cả nước rộn ràng đón xuân bình thường mới
Năm nay, để phòng, chống dịch Covid-19, đêm Giao thừa đón Xuân Nhâm Dần, nhiều địa phương không tổ chức bắn pháo hoa, tránh tập trung đông người. Nhưng khắp nơi trên đất nước đều được trang hoàng rực rỡ, tươi vui để đón mùa xuân bình thường mới. Những tín hiệu lạc quan về sự phục hồi đời sống, xã hội, kinh tế, nhất là ngành du lịch, ngày càng trở nên rõ nét, hứa hẹn một năm mới tươi sáng.
Dù tại nhiều địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng mùa xuân này, người dân và du khách vẫn đón Tết trong tâm thế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất. Tại nhiều nơi, các nhà máy, xí nghiệp đã bắt tay ngay vào sản xuất; các công ty thương mại xuất khẩu những lô hàng đầu tiên.
Vui đón xuân an toàn
Tối 31/1, tức đêm Giao thừa, thời tiết Hà Nội rét buốt. Hồ Hoàn Kiếm vẫn là điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô mỗi khi Tết đến, xuân về. Từ sau 21 giờ, không khí tại đây bắt đầu “tăng nhiệt”. Dòng người đến khu vực hồ Hoàn Kiếm ngày một đông hơn. Nhiều người đi bộ chung quanh hồ, chụp ảnh kỷ niệm tại những tiểu cảnh về linh vật hổ, về hoa xuân… tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Ngày mồng 1 và mồng 2 Tết Nguyên đán, đường phố bắt đầu đông vui hơn. Dù các di tích vẫn đóng cửa, người dân vẫn đến để bái vọng tại đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ… Do thời tiết không thuận lợi, cộng với đề phòng dịch bệnh nên phần lớn người dân Thủ đô chọn cách đón năm mới tại nhà, quây quần bên gia đình; thưởng thức các chương trình văn hóa, nghệ thuật qua truyền hình.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt nên không khí vui xuân Nhâm Dần 2022 trở nên rộn ràng với nhiều hoạt động thu hút đông đảo người dân thành phố và du khách. Một trong những điểm thu hút người dân đến vui chơi từ những ngày trước Tết Nguyên đán chính là Lễ hội Tết Việt tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1. Đây là lễ hội đầu tiên trong cả nước áp dụng hình thức trực tiếp kết hợp với mua sắm Tết trực tuyến, thu hút hơn 80.000 lượt khách tham quan với sự tham gia của 58 gian hàng đến từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch của thành phố và 22 địa phương trên cả nước. Từ ngày 27/1 đến 6/2, Hội hoa xuân Công viên Tao Đàn trưng bày triển lãm hoa kiểng với quy mô hơn 3.000 hiện vật thuộc các bộ môn như hoa, đá cảnh, bonsai; các hoạt động Tết cổ truyền như trưng bày mâm quả, biểu diễn lân sư rồng, các trò chơi dân gian; khu giới thiệu sản phẩm…
Dịch Covid-19 được kiểm soát, đồng thời không khí Đà Nẵng chuyển se lạnh, nắng nhẹ, thời tiết lý tưởng, thuận lợi cho người dân đi đón xuân, vui Tết. Trong ngày mồng 1 Tết, người dân đổ ra đường hoa dọc hai bờ sông Hàn, các công viên. Tại các chùa lớn của Đà Nẵng như Linh Ứng (quận Sơn Trà), Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn), Bồ Đề (quận Liên Chiểu)…, hàng nghìn người đổ về lễ Phật, cầu bình an, xin lộc đầu năm… Tại các vườn hoa, đường hoa, không gian Tết ở hai bờ sông Hàn và tại công viên Apec, chính quyền thành phố trang trí các tiểu cảnh, làm đường hoa, để người dân dạo phố, vãn cảnh.
Ở thành phố Cảng Hải Phòng, đã lâu rồi người dân mới được đón Tết trong thời tiết lạnh giá chỉ hơn 10 0C. Giao thừa, đường phố Hải Phòng, khu vực Nhà hát thành phố và các trung tâm nghệ thuật vắng người hơn nhiều năm trước. Bù lại, các gia đình lại được quây quần bên nhau đón chào năm mới. Giống Hải Phòng, người dân Quảng Ninh dành thời gian quây quần bên nhau chia sẻ về công việc, đón ngày đầu tiên của năm mới với nhiều niềm vui và may mắn.
Ngược lên các tỉnh miền núi phía bắc, Lào Cai đón Tết trong thời tiết khô ráo, rét lạnh. Vào thời khắc Giao thừa, nhiều người dân thành phố Lào Cai đã đến Đền Thượng thắp hương tưởng nhớ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong những ngày nghỉ Tết, các nhà máy luyện đồng, sản xuất gang thép, tuyển quặng a-pa-tít, sản xuất phốt-pho… vẫn duy trì sản xuất ba ca liên tục, cung ứng sản phẩm cho khách hàng theo kế hoạch. Ngay từ sáng mồng 1 Tết, bốn đơn vị thương mại, xuất nhập khẩu đã mở tờ khai hải quan, xuất khẩu 100 tấn thanh long sang Hà Khẩu (Trung Quốc) qua cửa khẩu đường bộ Kim Thành.
Tết đến với Hà Giang trong tiết trời lạnh giá và khô ráo. Đêm Giao thừa, các tuyến đường tại thành phố Hà Giang và trung tâm các huyện được trang hoàng lộng lẫy với khẩu hiệu chào xuân Nhâm Dần, kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Giao thừa, người dân tại thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang đến đình, chùa để cầu chúc năm mới an lành.
Trên các con đường dẫn vào trung tâm thành phố Điện Biên Phủ hay đường về các huyện vùng cao: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đều rực rỡ sắc đỏ của cờ Tổ quốc. Trên biên giới Việt-Lào, Việt-Trung thuộc địa phận tỉnh Điện Biên, hàng nghìn chiến sĩ quân hàm xanh vẫn miệt mài tuần tra, trực chốt để bảo vệ bình yên biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Đại úy Phạm Xuân Chiêm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang chia sẻ: “Với người lính, xuân chỉ trọn vẹn khi xuân ấm áp và bình yên, cho nên một Tết xa, hai Tết xa hay nhiều Tết xa thì anh em luôn vững tâm thực hiện nhiêm vụ”.
Cũng như mọi năm, quân và dân thị trấn Trường Sa (Khánh Hòa) nhận được nhiều quà Tết mang hơi ấm, hương vị mùa xuân từ đất liền. Trên đảo Song Tử Tây vẫn còn nhiều dấu vết cây xanh gãy đổ do sức tàn phá của cơn bão số 9 hồi cuối năm 2021. Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Hoàng Thanh Tú cho biết, quân dân trên đảo đang khắc phục hậu quả của bão, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để âu tàu Song Tử Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân ta ra khơi, bám biển.
Tại Lâm Đồng, nhiều không gian hoa mai anh đào nở đúng dịp Tết, tô sắc hồng mùa xuân cao nguyên. Ở TP Cần Thơ, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày Tết. Trong đêm Giao thừa, chương trình nghệ thuật tổ chức tại sân khấu Trung tâm văn hóa thành phố ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu; sự hy sinh thầm lặng của những người ở tuyến đầu chống dịch. Những bài hát xuân vui tươi, rộn rã, thể hiện không khí đón Tết ấm áp cùng khát vọng đưa thành phố phát triển nhanh, xứng danh là vùng đất Tây Đô.
Ngày mồng 1, 2 Tết Nhâm Dần, nhân dân vùng đất cực nam Tổ quốc (Cà Mau) đổ ra đường vui xuân trong cái nắng hửng nhẹ nhàng. Theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều gia đình, nhất là vùng nông thôn lập bàn thờ Bác Hồ hoặc treo ảnh Bác ở những nơi trang trọng.
Rộn ràng du lịch đầu năm
Sáng mồng 1 Tết, lượng khách khởi hành tour du xuân tại thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã tung ra tour du lịch tham quan, trải nghiệm chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” ở bến Bình Đông. Theo ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TST tourist cho biết, sáng mồng 1, đơn vị đã làm lễ xuất hành cho 100 du khách. Những ngày đầu năm, công ty đạt hơn 1.000 khách đăng ký các tour du xuân bao gồm cả khách cá nhân, nhóm khách và đoàn khách doanh nghiệp.
Cùng ngày, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đón 138 vị khách “xông đất” Nha Trang-Khánh Hòa đến từ Hà Nội trên chuyến bay số hiệu VN1551 của Hãng hàng không Vietnam Airlines. Để có thể từng bước phục hồi hoạt động du lịch, Khánh Hòa tiên phong mở cửa đón khách du lịch nội tỉnh; chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng để đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin”.
Trưa mồng 1 Tết tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố tổ chức lễ đón những hành khách đầu tiên xông đất Đà Nẵng. Chuyến bay VJ624 của Hãng hàng không VietJet với 230 hành khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh được chào đón nồng nhiệt. Nhằm từng bước phục hồi thị trường du lịch trong giai đoạn bình thường mới, Đà Nẵng tổ chức các đường hoa, cụm trang trí và chiếu sáng dọc hai bờ sông Hàn đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến cảng Sông Hàn ở bờ tây và từ cầu Rồng đến cầu Sông Hàn ở bờ đông Trung tâm Hành chính, hai đầu cầu Rồng… Các bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng, Mỹ thuật và danh thắng Ngũ Hành Sơn mở cửa miễn phí cho khách tham quan trong năm 2022.
Dịp Tết, các khách sạn, nhà hàng ở Khu du lịch quốc gia Sa Pa (Lào Cai) trang hoàng rất đẹp mắt. Theo Hiệp hội Du lịch Sa Pa, trong các ngày từ mồng 2 Tết đến ngày 5/2, có khoảng 80% số khách sạn, nhà nghỉ có khách đặt phòng, công suất bình quân đạt khoảng 60%. Đây là tín hiệu vui với ngành du lịch địa phương đang hồi phục theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn.
Tại Hà Giang, hầu hết làng văn hóa du lịch, các điểm du lịch, khách sạn vẫn mở cửa đón khách. Năm nay, phần lớn du khách trong nước và nước ngoài lựa chọn du lịch cộng đồng trong dịp Tết Nguyên đán. Anh Triệu Mềnh Quyên, chủ nhà nghỉ Hoàng Su Phì Bugalow cho biết: “Đêm Giao thừa, nhà nghỉ đón gần 20 khách từ thành phố Hà Nội, du khách Philippines, Ấn Độ. Chúng tôi tạo điều kiện cho du khách tự do khám phá phong cảnh hùng vĩ của núi rừng và có thể vào các hộ dân để trải nghiệm, khám phá phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc Dao”. Với phương châm xây dựng Hà Giang thành điểm đến “An toàn-bản sắc-thân thiện”, tỉnh Hà Giang đã thu hút hàng nghìn du khách trong dịp Tết Nguyên đán, khởi đầu cho một năm mới với nhiều kỳ vọng bứt phá trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Dịp Tết năm nay, Đà Lạt (Lâm Đồng) đón khoảng 72 nghìn lượt du khách, tăng 71% so cùng kỳ năm 2021. Anh Pierre, người Pháp, đã gắn bó với miền đất cao nguyên hơn 20 năm nay cho biết: “Mình rất hạnh phúc khi được gắn bó với miền đất này, người dân thân thiện, sống đoàn kết, sẻ chia. Tết cổ truyền Việt Nam thật đầm ấm, tươi vui”.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết: Các điểm du lịch, vui chơi giải trí ở Cà Mau sẵn sàng các điều kiện đón khách trong những ngày Tết. Trong ngày mồng 2 Tết, dự kiến có khoảng 6.000 lượt khách đến tham quan tại các điểm du lịch, như: Đá Bạc, Mũi Cà Mau, Khu tưởng niệm Bác Hồ tại thành phố Cà Mau; tăng khoảng 2.000 khách so với một ngày trước đó.
Theo Nhandan
Ý kiến ()