Cả nước hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới trước 18 tháng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham gia trải nghiệm xay gạo ở chợ người Mông, bản Sin Suối Hồ, Lai Châu. |
Thông tin được Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống khẳng định tại phiên họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, diễn ra vào sáng nay 25/7.
Theo đó, cả nước đã có 5.458 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới với 19 tiêu chí cụ thể, tăng 620 xã (tương đương 6,96%) so với cuối năm 2018; 82/644 đơn vị cấp huyện thuộc 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (chiếm 11,6% tổng số huyện của cả nước).
Bình quân các xã trên cả nước đạt 15,26 tiêu chí và không còn xã nào dưới 5 tiêu chí.
Không chỉ vậy, 8 chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cũng đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm 2016-2020 như tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội, tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất và các tiêu chí về văn hoá-xã hội-môi trường…
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương trên cả nước tiếp tục phát triển thành quả và giá trị của nông thôn mới, vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân nông thôn. Nhiều địa phương đã có nhiều sáng kiến quan trọng triển khai như xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh, xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn, bản để phù hợp với nguồn lực đầu tư và tập quán sinh hoạt của người dân (ở Thanh Hoá, Nghệ An), khai thác tiềm năng du lịch nông thôn (Lai Châu và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc)…
Sau khi triển khai Đề án hỗ trợ thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới, cả nước đã có 762 thôn, bản được UBND của các tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 43 địa phương ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 15 địa phương ban hành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu…
Tới nay, nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã được xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2016/QH14.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước. Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền, cụ thể: Vùng đồng bằng sông Hồng (82,74%), Đông Nam Bộ (70%), miền núi phía Bắc (26,45%), Tây Nguyên (37,73%), đồng bằng sông Cửu Long (42,77%), duyên hải Nam Trung Bộ (45,82%).
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn chậm. Đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 24% so với kế hoạch.
Ý kiến ()