Cả nước đã có 64,63% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
Tính đến tháng 6/2021, cả nước đã có 64,63% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới. (Ảnh: Đ.H) |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 6/2021, cả nước có 5.343/8.267 xã (64,63%) đạt chuẩn NTM (tăng 202 xã so với cuối năm 2020). Trong đó, có 351 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 38 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,68 tiêu chí/xã (tăng 0,3 tiêu chí so với cuối năm 2020).
Đáng chú ý, cả nước đã có 192 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 28,9% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Ngoài ra, 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Qua thời gian triển khai chương trình xây dựng NTM, theo Bộ NN&PTNT, hiện nay vẫn còn khá nhiều khó khăn. Theo đó, kết quả xây dựng NTM giữa một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như Đồng bằng sông Hồng đạt tỷ lệ 96,65%, Đông Nam Bộ 79,53%, trong khi đó khu vực miền núi phía Bắc mới đạt 37,02%, Tây Nguyên 49,83%. Đáng chú ý, vẫn còn 6 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30% và 39 huyện nghèo, thuộc 18 tỉnh vẫn còn “trắng xã NTM”.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 chưa được Quốc hội thông qua; đồng thời, vốn ngân sách Trung ương năm 2021 chưa được Thủ tướng Chính phủ giao nên nhiều địa phương còn lúng túng trong cân đối nguồn vốn để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Chương trình, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Ngoài ra, do tình hình diễn biến của đại dịch COVID-19 rất phức tạp tại một số địa phương nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, huy động nguồn lực và triển khai các nội dung của Chương trình trong năm 2021; tác động bất lợi trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế của người dân nông thôn. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành và mức độ bền vững của một số tiêu chí nông thôn mới.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian chờ Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương để phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2021 được Chính phủ giao. Đặc biệt, khẩn trương hướng dẫn các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 (sau khi có Quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ). Chỉ đạo các tỉnh, thành phố chủ động cân đối vốn ngân sách địa phương các cấp cũng như huy động các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách và Xã hội và một số cơ quan có liên quan đề xuất, xây dựng một số chính sách tín dụng hỗ trợ thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện các tiêu chí về môi trường, nước sạch nông thôn. Đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để huy động thêm nguồn lực cho Chương trình giai đoạn 2021-2025./.
Ý kiến ()