Cả nước còn 800 nghìn tấn bom mìn chưa nổ sau chiến tranh
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sau chiến tranh hiện còn 800.000 tấn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung.
Sáng 31/3, tại Quảng trường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hoá học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) đã tổ chức lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn 4/4 với khẩu hiệu “ Vì đất nước không còn bom mìn vật nổ sau chiến tranh”.
Tham dự buổi lễ có đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ thường trú tại Việt Nam.
Theo Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hoá học sau chiến tranh ở Việt Nam, kết thúc chiến tranh, Việt Nam là một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Theo thống kê, chỉ tính riêng số bom nìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở nước ta đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trao quà hỗ trợ nạn nhân bom mìn tỉnh Hà Giang vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. |
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn 800.000 tấn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung. Diện tích ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,7% tổng diện tích của cả nước. Đặc biệt có địa phương có đến 80% diện tích bị ô nhiễm.
Bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh đe dọa đến cuộc sống của nhiều người dân, ảnh hưởng rất lớn đối với an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bằng nguồn lực trong nước và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, mỗi năm Việt Nam rà phá được từ 40.000 – 50.000 ha ở các khu vực ô nhiễm bom mìn. Dự kiến, hơn 100 năm nữa mới có thể khắc phục hết ô nhiễm bom mìn phục vụ như cầu phát triển kinh tế xã hội, mang lại bình yên cho cuộc sống.
Ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Để hướng tới mục tiêu khắc phục bền vững tình trạng ô nhiễm bom mìn, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn; ban hành cơ chế chính sách trợ giúp xã hội đối với các nạn nhân bom mìn.
Đến nay, 100% nạn nhân bom mìn đã được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng, học nghề… Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, những năm qua, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ đã có những hỗ trợ quý báu về trang thiết bị, kinh phí, trị giá hàng chục triệu USD để Việt Nam khắc phục, giải quyết hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.
Các tình nguyện viên tham gia tiết mục nhảy Flasmod hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn. |
Ông Lê Quân khẳng định để rà phá, làm sạch khoảng 800.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.
Trong khuôn khổ buổi lễ, nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo cộng đồng, như hàng trăm đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên tham gia diễu hành đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm; triển lãm trưng bày hiện vật, hình ảnh thực trạng ô nhiễm và mối hiểm họa của bom mìn, vật nổ đối với con người, công tác khắc phục hậu quả trong những năm qua.
Hai mươi nạn nhân bom mìn của tỉnh Hà Giang đã được trao quà hỗ trợ sinh kế giúp ổn định cuộc sống.
Hàng trăm tình nguyện viên và người dân tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bom mìn. |
Theo baochinhphu
Ý kiến ()