Tiến sĩ Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, cả nước hiện có khoảng 300 khu công nghiệp, khu chế xuất được phân bố hầu hết các tỉnh, thành phố với hơn hai triệu lao động đang làm việc. Hàng năm, các khu công nghiệp, khu chế xuất đã đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu – nhập khẩu, chiếm trên 35% tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân có tay nghề cao hiện nay còn yếu kém, bất cập, việc kết nối giữa đào tạo với việc sử dụng lao động ở các doanh nghiệp còn hạn chế, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong đó, năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp trong khu vực, thua xa so với các nước phát triển. Đặc biệt nhiều chỉ tiêu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đạt, tình trạng lao động qua đào tạo ở trình độ cao còn bị thất nghiệp.
Thế nhưng, có một nghịch lý mà theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội), ở một số tỉnh, có tới 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng ra trường phải làm trái nghề và hiện cả nước có 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nguyên nhân do đào tạo chưa bám sát được nhiệm vụ phát triển của đất nước, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển.
Tại hội thảo, các tham luận cho biết, theo dự báo đến năm 2020, thị trường lao động trong nước thiếu 400 nghìn lao động. Trong khi đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa bám sát yêu cầu đầu ra; việc kết nối giữa đào tạo với doanh nghiệp còn hạn chế. Các tham luận cho rằng, cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Các cơ sở đào tạo nghề cần đổi mới nội dung, phương thức đào tạo và dành 2/3 thời gian cho học sinh tham gia thực hành nghề. Các cơ sở đào tạo nghề cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khâu đào tạo có địa chỉ, sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Ý kiến ()