Cả nước có 15 ổ dịch lở mồm, long móng trên đàn gia súc
Cục Thú y cho biết, hiện cả nước có 15 ổ dịch lở mồm long móng xảy ra tại tám huyện của bốn tỉnh: Bắc Cạn, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Đác Lắc chưa qua 21 ngày. Cục Thú y yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành chủng vi-rút cúm gia cầm, lở mồm long móng năm 2016 để tổ chức mua đúng loại vắc-xin phòng, chống dịch.
* Sáng 2-3, Ban Chỉ đạo phòng, chống khô hạn của tỉnh Đác Lắc đã tổ chức cuộc họp triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống khô hạn và đối phó ảnh hưởng của En Ni-nô trên địa bàn. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng phương án chống hạn cụ thể, đạt hiệu quả cao…
* Từ tháng đến nay, nắng hạn đã làm chết một số diện tích trồng lúa và cây màu, cây ăn quả,… của người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Bình Thuận. Chỉ riêng ở ba huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, tổng diện tích gieo trồng bị thiệt hại lên đến hơn 1.300 ha, trong đó có 70 ha lúa bị thiệt hại hơn 70%, cây mì hơn 400 ha và cây bắp hơn 45 ha. Tỉnh đang tích cực chỉ đạo chống hạn, nhất là bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân vùng bị khô hạn.
* Trước tình hình hạn, mặn đang diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại cho nhân dân ven biển, đầu tháng 3-2016, tỉnh Tiền Giang đã triển khai phương án dùng sà-lan chở 433.000 m3 nước ngọt từ TP Mỹ Tho cấp cho người dân trên huyện đảo Tân Phú Đông, với kinh phí đầu tư khoảng 13,5 tỷ đồng.
* Tỉnh Phú Yên tập trung nạo vét, gia cố các hạng mục kênh mương, hồ, đập từ những năm trước, cho nên các công trình thủy lợi ở Phú Yên tích được nước cơ bản đáp ứng nước tưới cho vụ đông – xuân. Bên cạnh đó tỉnh chỉ đạo các nhà máy thủy điện phải vận hành phát điện bảo đảm lưu lượng đưa về đầu mối; đồng thời tiếp nước cho các trạm bơm chống hạn trên các sông thuộc vùng hạ lưu để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
* Các địa phương khắc phục hạn hán, sạt lở bờ biển: Gần đây, tình hình sạt lở và xâm thực ven biển Gò Công của tỉnh Tiền Giang đang diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân, trong đó có 47 hộ dân sống ven biển ở ấp Tân Phú và Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông đang bị nước biển xâm thực, sạt lở vào đến nhà ở. Địa phương có một khu đất công để quy hoạch di dời các hộ này vào bên trong, đến nay dự án đã thiết kế xong nhưng việc triển khai xây dựng vẫn còn chậm
* Tỉnh Bạc Liêu vừa thành lập đoàn kiểm tra đoạn kè Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) bị sạt lở do triều cường, sóng mạnh làm sạt lở hơn 99 m. Trong đó, ngành chức năng đã sửa chữa được 60 m. Còn lại 39 m do mực nước triều đang dâng cao, biển động cho nên công tác sửa chữa phải tạm dừng chờ đến khi triều rút, biển êm mới tiếp tục tiến hành khắc phục. Chi phí cho việc sửa chữa ước tính gần 2,5 tỷ đồng.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()