Cá nhân làm từ thiện: Cần hiệu quả, minh bạch, đúng luật pháp
Quan điểm của các chuyên gia là cần điều chỉnh công tác từ thiện để điều thiện được nuôi dưỡng và lan tỏa, tránh triệt để việc núp bóng, trục lợi từ thiện, gây hệ lụy xấu cho xã hội.
Hoạt động từ thiện cá nhân vốn xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tinh thần vì cộng đồng. Đáng tiếc là trong thời gian gần đây, việc cá nhân vận động quyên góp từ thiện lại tạo ra những thị phi, chỉ trích trong dư luận.
Câu chuyện “sao kê tiền từ thiện” đặt ra vấn đề cần minh bạch hoạt động thiện nguyện để pháp luật được thực thi, phát huy được tối đa sức mạnh của toàn dân trong khó khăn, hoạn nạn.
Ngày 24/9, Báo Đại Đoàn kết tổ chức tọa đàm “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?” với sự tham gia của những nghệ sỹ từng tham gia công tác xã hội và các chuyên gia về luật pháp.
Cần sự hỗ trợ từ những người chuyên nghiệp
Đã rất lâu rồi MC Phan Anh mới nhắc lại câu chuyện kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung năm 2016. Anh cho rằng điều khó khăn nhất khi làm thiện nguyện là mình phải chế ngự được lòng tham. Anh thừa nhận mình có tham, nhưng không phải là tham tiền mà tham về sự ghi nhận của mọi người dành cho mình.
“Trong một ngày tôi nhận được 8 tỷ đồng. Tôi giật mình tự hỏi liệu mình có làm được không? Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản của mình, tức là thích sự ghi nhận, sự tin tưởng của mọi người,” Phan Anh chia sẻ.
Nam MC cũng nhận sai khi nghĩ rằng mình đủ giỏi để có thể tự làm tất cả. Do đó anh không nhờ đến luật sư, kế toán, kiểm toán…
“Tôi tham nên không còn tỉnh táo nữa, không lường trước các vấn đề có thể xảy ra với mình,” anh tâm sự.
Anh cũng thanh minh rằng anh làm từ thiện một cách khẩn trương, vì bà con đang chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt. Do đó, anh không kịp thành lập quỹ hay có kế hoạch chỉn chu, kỹ lưỡng… Sau này, trước sự chỉ trích của dư luận, anh mới lập một website “sao kê” toàn bộ 24 tỷ đồng đã được mọi người gửi ủng hộ.
Chia sẻ về hoạt động thiện nguyện của mình, ca sỹ Thái Thùy Linh cho hay cô không kêu gọi số tiền lớn, thay vào đó, cô đóng góp trí tuệ, sức lực và khả năng kết nối để mang tới lợi ích cho cộng đồng.
Gần đây, cô được Ngân hàng Quân đội cấp một tài khoản gọi là “Tài khoản minh bạch thiện nguyện.” Mọi người có thể vào xem sao kê 24/7, không cần mật khẩu. Thái Thùy Linh cho rằng đây là một bước tiến trong hoạt động thiện nguyện, tránh được nhiều hệ lụy và thị phi.
“Hơn 10 năm nay, tôi đã tổ chức rất nhiều chương trình thiện nguyện và mỗi chương trình đều có ban kế toán và kiểm toán. Những người tham gia làm thiện nguyện không có đủ thời gian toàn tâm toàn ý như làm công ăn lương được. Chính vì vậy, bao giờ cũng phải có nhiều hơn một người tham gia giám sát thu chi, kiểm toán… Với quỹ càng lớn càng cần nhiều sự giám sát, kiểm tra chéo,” ca sỹ Thái Thùy Linh chia sẻ.
Sao kê chưa đủ đảm bảo minh bạch
Tiến sỹ luật Lê Ngọc Khánh cho hay việc thiện nguyện là hết sức cần thiết, xã hội cần góp sức, song cá nhân muốn làm từ thiện thì cần lập quỹ, được Nhà nước công nhận, theo Nghị định 93 của Chính phủ.
Ông cho rằng sao kê tiền từ thiện là đúng nhưng chưa đủ bởi chỉ chứng minh được số tiền chuyển vào và chuyển ra nhưng khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì khó có thể kiểm soát.
Ông đặt câu hỏi: “Ví dụ một cá nhân vận động quyên góp được 100 tỷ đồng, rút ra 100 tỷ đồng từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai thì cần có danh sách đầy đủ, rõ ràng.
Ca sỹ Thái Thùy Linh đồng tình với ý kiến của các luật sư rằng cần có cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt nhưng trước đó, phải có các hướng dẫn cụ thể như: Làm từ thiện với số tiền từ bao nhiêu thì phải khai báo, lập quỹ? Điều kiện để lập quỹ là phải có tài sản, nếu cá nhân không có tài sản thì làm thế nào? Giữ tiền từ thiện sau bao lâu thì bị xử phạt?
“Tôi có một đội ngũ kế toán, quản lý sổ sách. Trong trường hợp kế toán làm sai, làm nhầm thì ai là người chịu trách nhiệm? Hướng đến hoạt động tình nguyện chuyên nghiệp hơn, tôi nghĩ cần bổ sung điều khoản có thể dùng bao nhiêu % giá trị quỹ từ thiện đó để trả lương cho những người làm thiện nguyện như đội ngũ kế toán, để gia tăng trách nhiệm của họ,” ca sỹ Thái Thùy Linh đặt vấn đề.
Cô cũng bày tỏ trăn trở rằng hiện nay việc làm từ thiện đang trở nên rất áp lực đối với nghệ sỹ, ngoài công việc cá nhân, gia đình, họ còn phải rất cẩn thận trong việc điều hành, quản lý quỹ, nếu sai sót sẽ bị phạt hành chính, xử lý hình sự, mất danh dự… Cô lo ngại rằng sau này người nổi tiếng sẽ ngại, không kêu gọi mọi người ủng hộ nữa.
“Tôi cho rằng việc cá nhân làm từ thiện cần 3 yếu tố: Hiệu quả, minh bạch và xây dựng một cộng đồng văn minh. Chúng ta đang sống trong một cộng đồng thích thị phi. Dư luận sẵn sàng ném đá, buôn chuyện, chỉ trích các cá nhân kêu gọi từ thiện, dù pháp luật chưa xác định đúng sai,” ca sỹ Thái Thùy Linh chia sẻ./.
Ý kiến ()