Cà Mau chú trọng liên kết kinh tế vùng
Trong số các tỉnh Tây Nam Bộ, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm qua, tỉnh chưa phát huy hiệu quả các lợi thế để tạo bước đột phá đi lên. Gần đây, Cà Mau đã đẩy mạnh liên kết, hợp tác quảng bá hình ảnh của mình để tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững.Khơi nguồn nội lựcCà Mau được Chính phủ xác định là một trong bốn tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiệm vụ trọng tâm của cụm kinh tế này là phát huy cao nhất nguồn nội lực, tiềm năng, lợi thế để tạo mối liên kết chặt chẽ; là 'đầu tàu' trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn của vùng. Nằm trong vùng bán đảo Cà Mau, tỉnh có điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển kinh tế khá toàn diện, nhất là thủy sản, những năm qua, ngành kinh tế thủy sản Cà Mau phát triển khá năng động trên cả các mặt: nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu; hằng năm đóng...
Khơi nguồn nội lực
Cà Mau được Chính phủ xác định là một trong bốn tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhiệm vụ trọng tâm của cụm kinh tế này là phát huy cao nhất nguồn nội lực, tiềm năng, lợi thế để tạo mối liên kết chặt chẽ; là 'đầu tàu' trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn của vùng. Nằm trong vùng bán đảo Cà Mau, tỉnh có điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển kinh tế khá toàn diện, nhất là thủy sản, những năm qua, ngành kinh tế thủy sản Cà Mau phát triển khá năng động trên cả các mặt: nuôi trồng, khai thác, chế biến và xuất khẩu; hằng năm đóng góp khoảng 1/4 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung của cả nước. Tỉnh có đoàn tàu khai thác hải sản hơn 5.200 chiếc và diện tích nuôi tôm gần 270 nghìn ha. Với lợi thế này, Cà Mau đã và đang phát triển nhiều mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi công nghiệp với quy mô lớn. Năm 2011, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt hơn 350 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu 820 triệu USD và phấn đấu nâng lên 870 triệu năm 2011. Từ lâu vùng đất cực nam Tổ quốc này là vùng nguyên liệu thủy sản dồi dào phục vụ chế biến xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa phát huy được những lợi thế.
Vì sao Cà Mau vẫn chưa tạo được sự bứt phá để đi lên? Lý giải vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng: Hiện nay sự phát triển của các tỉnh khu vực ĐBSCL trong mối liên kết vùng còn manh mún, chưa thật sự gắn kết chặt chẽ để cùng nhau phát triển. Trong khi ĐBSCL là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng kinh tế, có vị trí thuận lợi, có thể kết nối giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với diện tích gần bốn triệu héc-ta, đây là vùng nông nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản cho cả nước… Tiềm năng là thế, nhưng tình hình kinh tế – xã hội ở khu vực này phát triển chưa tương xứng. Điểm 'nghẽn' ở đây là, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Hai điểm yếu đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư của khu vực này. Thời gian qua, khu vực ĐBSCL thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 8 tỷ USD. Nếu chia tỷ lệ đầu tư nước ngoài theo đầu người thì bình quân khu vực này thấp hơn năm lần so với mức bình quân chung cả nước. Đây thật sự là một nghịch lý đối với vùng đất giàu tiềm năng kinh tế như ở ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng. Khi kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực chưa được kết nối hoàn chỉnh sẽ làm tăng chi phí vận tải, làm mất ưu thế cạnh tranh hàng hóa trong khu vực. Hơn nữa, mặc dù nguồn nhân lực ĐBSCL rất dồi dào, đa số là lao động trẻ, song, chất lượng thấp, hầu hết chưa qua đào tạo. Cũng vì thế mà ĐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng vẫn chưa thật sự phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh, chưa tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư và đầu tư phát triển.
Hợp tác chặt chẽ để cùng phát triển
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi, việc hợp tác và mở rộng mối liên kết vùng để phát huy tiềm năng, lợi thế là mối quan tâm chung của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Hai năm qua, Cà Mau đã có những chủ trương, giải pháp phù hợp vươn ra hợp tác trong khu vực, đặc biệt là chương trình ký kết hợp tác toàn diện giữa Cà Mau với TP Hồ Chí Minh. Bước đầu, chương trình đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực mà trước đây chưa được đầu tư khai thác tương xứng; nhất là phối hợp giới thiệu, vận động, kêu gọi các doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và nước ngoài đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế ven biển. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Minh Phú, cho biết: Cà Mau là vùng đất hứa hẹn nhiều khả năng phát triển kinh tế, nhất là về nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Thông qua việc liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh công ty đã đạt những thành tựu lớn về chế biến, xuất khẩu thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm hơn 250 triệu USD; đồng thời tiếp tục vươn tới mục tiêu trở thành nhà chế biến và xuất khẩu thủy sản với kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD vào năm 2015. Liên kết không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, giảm chi phí, tạo ổn định cho đầu ra sản phẩm, mà còn góp phần làm tăng giá trị sản phẩm, tạo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Nằm trong hành lang phía nam, tỉnh Cà Mau có vị trí địa lý khá thuận lợi kết nối với các tỉnh khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh bằng cả đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Trong đó, có trục đường thủy phía nam đi xuyên qua tỉnh, kết nối với cảng biển Năm Căn, là cửa ngõ giao thương quan trọng với khu vực và các nước. Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương như: nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Cần Thơ – Cà Mau – Năm Căn; tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp, nâng cấp sân bay Cà Mau, cảng Năm Căn; Khu công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau là công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, đang triển khai xây dựng tuyến đường hành lang ven biển phía nam và đường Hồ Chí Minh nối dài từ Năm Căn đến Đất Mũi… Đây chính là cơ hội để Cà Mau kết nối giao thương với các tỉnh trong khu vực. Mới đây, TP Cà Mau được Chính phủ công nhận đô thị loại hai, là một trong bốn đô thị động lực tại khu vực ĐBSCL; đồng thời Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới và Khu kinh tế Năm Căn vừa được Chính phủ phê duyệt đầu tư.
Cùng với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỉnh Cà Mau đang xúc tiến tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế với chủ đề 'Đồng bằng sông Cửu Long – Liên kết phát triển bền vững' nhằm thúc đẩy các hoạt động liên kết, cùng hướng tới sự phát triển bền vững cho tỉnh và vùng ĐBSCL trong tương lai. Với Cà Mau, nuôi trồng và khai thác thủy sản là lĩnh vực được mời gọi đầu tư, ưu tiên hàng đầu. Nếu có sự liên kết, đầu tư hợp lý và thỏa đáng, con số 1 đến 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản không phải là điều khó thực hiện trong vài năm tới. Ngoài ra, gần 150 nghìn ha hai khu rừng ngập mặn mũi Cà Mau và rừng tràm U Minh hạ có thể phát triển mạnh, đa dạng ngành nghề sản xuất có giá trị kinh tế cao; nhất là ưu thế về mở mang du lịch sinh thái rừng – biển – sông nước mênh mang, đầy triển vọng… Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện các khu công nghiệp Khánh An, Hòa Trung và nâng cấp các thị trấn Sông Đốc, Năm Căn lên đô thị cấp thị xã, Cà Mau tạo mọi điều kiện thuận lợi liên kết vùng và mời gọi các nhà đầu tư.
Các tỉnh ven biển Tây Nam Bộ như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có lợi thế rất lớn về liên kết phát triển kinh tế biển, công nghiệp đóng tàu, chế biến thủy sản xuất khẩu, công nghiệp khí – điện – đạm… Tuy nhiên, để liên kết đạt hiệu quả, Cà Mau và các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần có bước đi, cách làm cụ thể, đồng bộ trong hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư; tăng cường công tác thông tin thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu. Cần chú ý, kết nối hạ tầng giao thông luôn đi trước một bước; tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các địa phương này một số cơ chế, chính sách linh hoạt về vốn, tín dụng, thuế… để tạo đòn bẩy cho sự liên kết phát triển kinh tế mạnh mẽ, bền vững; đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()