Cà Mau chủ động phòng, chống thiên tai trên biển
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện địa phương này có trên 5 nghìn phương tiện đang hoạt động trong nghề khai thác thuỷ sản trên biển. Nhằm giảm thiểu thấp nhất sự thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay, các ngành chức năng và địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, trong năm 2014 sẽ có từ 9 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông, trong đó có từ 3 đến 5 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới tiềm ẩn nguy hiểm khó lường, cường độ mạnh, hướng di chuyển không theo quy luật của thời tiết, có thể gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương ven biển, trong đó có vùng biển Cà Mau. Đồng thời Cà Mau cũng là tỉnh có bờ biển dài 252 km, với hàng chục cửa biển, nên lượng tàu thuyền đánh bắt và neo đậu với số lượng lớn. Trước tình hình đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Cà Mau đã chủ động lên phương án phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là đối với các tàu khai thác thủy, hải sản của ngư dân. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão, khắc phục thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Cà Mau triển khai kế hoạch sát với tình hình thực tế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm quy định bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển…, chủ động trong công tác tham mưu, ứng phó và khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Chỉ đạo các đơn vị quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện – vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Nhằm tránh thiệt hại cho người dân trong mùa mưa bão, tỉnh Cà Mau đã xây dựng được 9 khu neo đậu tránh trú bão, bố trí trên 200 phương tiện, cùng với xà lan và hàng chục nhà bạt để phục vụ công tác phòng, chống lụt bão ở từng khu vực và tuỳ theo tình hình khẩn cấp ở địa phương, sẽ điều thêm phương tiện trong nhân dân để phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Ngay từ đầu năm, Bộ đội biên phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức tập huấn cho ngư dân ở các cửa biển về cách phòng tránh bão, hướng dẫn quy định khu neo đậu tàu thuyền, cách sơ cấp cứu ban đầu người gặp nạn trên biển. Chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cũng thường xuyên tuyên truyền đến từng ngư dân về công tác phòng, chống lụt bão song song với việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Khi mùa mưa bão đến, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Lực lượng Bộ đội Biên phòng của tỉnh Cà Mau cũng liên tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện cũng như trang thiết bị an toàn, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong phòng, chống lụt bão cũng như chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam khi ra biển hoạt động. Lực lượng Bộ đội Biên phòng cũng liên tục theo dõi thông tin thời tiết, rà soát bổ sung các tần số thông tin liên lạc các tàu đánh cá của ngư dân để chủ động kêu gọi khi có tin bão và áp thấp nhiệt đới diễn ra cũng như huy động tàu tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển khi cần thiết. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng Cà Mau còn xây dựng và duy trì hoạt động 12 đội tàu an toàn, gồm 149 chiếc, với đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện, các tàu đều có công suất từ 250 CV và trọng tải từ 50 tấn trở lên. Bên cạnh lực lượng của đơn vị và đội tàu an toàn thì có tàu của Hải đội biên phòng 2 cũng sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống khi có sự việc xảy ra. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()