Cả hệ thống chính trị vào cuộc để xóa đói giảm nghèo vùng Tây Bắc
Chiều 26/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị bàn giải pháp giảm nghèo bền vững các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Chính sách giảm nghèo tác động toàn diện đến vùng Tây Bắc
Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về kết quả các chính sách, chương trình giảm nghèo vùng Tây Bắc giai đoạn 2011-2015 cho thấy giai đoạn 2011-2015, các chương trình, chính sách xóa đói giảm nghèo đã tác động toàn diện, đều khắp đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở vùng Tây Bắc.
Đến nay, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đạt được các mục tiêu về giao thông, điện, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, nhà ở, cơ sở khám chữa bệnh, thông tin, viễn thông.
Các chương trình, chính sách xóa đói, giảm nghèo đã góp phần cải thiện sinh kế của người dân, nhất là hộ nghèo ở các địa phương, ở các xã nghèo, huyện nghèo của Tây Bắc. Người dân đã được hỗ trợ các điều kiện để phát triển sản xuất và tăng thu nhập.
Lĩnh vực tác động ấn tượng và cũng là thế mạnh của Tây Bắc là phát triển nông nghiệp. Nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng được tập trung như giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở khám chữa bệnh, trường học, nhà văn hóa, chợ, hệ thống cấp nước sinh hoạt, nhà ở… nhờ đó mà người nghèo và hộ nghèo đã tiếp cận được các dịch vụ cơ bản.
Kết quả công tác xóa đói giảm nghèo đã góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh, giải quyết được các vấn đề xã hội, chính trị nảy sinh nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và biên giới. Nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đã đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo qua các giai đoạn.
Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2015 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, toàn vùng Tây Bắc có 782.047 hộ nghèo (tỷ lệ 29,14%), 286.876 hộ cận nghèo (tỷ lệ 10,69%); trong đó trên địa bàn 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a có 282.025 hộ nghèo (tỷ lệ 49,98%), 69.162 hộ cận nghèo (tỷ lệ 12,26%); trên địa bàn 12 huyện hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 30a là 75.267 hộ nghèo (tỷ lệ 46,56%), 22.770 hộ cận nghèo (tỷ lệ 14,09%).
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc xóa đói giảm nghèo tại vùng Tây Bắc còn một số khó khăn, hạn chế như công tác lãnh đạo triển khai một số nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ ở một số địa phương, cơ sở còn chậm. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ giai đoạn 2006-2010 nhưng kết quả thực hiện được rất hạn chế, do quỹ đất không còn; nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất.
Kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, nguy cơ tái nghèo còn cao. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm… còn chưa đáp ứng so với yêu cầu.
Phát triển “xanh” vùng Tây Bắc
Để đẩy mạnh kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc, nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng cần tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quyết định số 2324/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc cần tập trung vào các giải pháp quan trọng: Điều tra, nghiên cứu hiệu quả thực thi các chính sách đối với vùng Tây Bắc, giao địa phương thực hiện theo hướng giảm mạnh việc “cho không,” tập trung vào việc cho vay, hỗ trợ đầu tư các công trình thiết yếu.
Các địa phương trong vùng cần cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của từng địa phương và cả vùng, từ đó nghiên cứu khai thác tiềm năng lợi thế trong từng lĩnh vực, tập trung vào công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giải quyết sáu trục chính trong hệ thống giao thông vùng Tây Bắc; triển khai có hiệu quả hai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới; tập trung đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; khuyến khích, hỗ trợ ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, chủ nông trại, trạng trại, hộ gia đình thu hút nhiều lao động vào làm việc…
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình khẳng định Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của Việt Nam, là căn cứ địa cách mạng, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống gắn bó lâu đời.
Với hơn 11,6 triệu người sinh sống trên địa bàn (trong đó 63% là đồng bào dân tộc thiểu số), vùng Tây Bắc là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ đó công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, vùng Tây Bắc vẫn là “lõi nghèo” của cả nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc nghiên cứu, xây dựng Đề án “Giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc,” trình Bộ Chính trị vào quý 1/2017.
Đề án cần huy động được sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, dân tộc, kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc; đồng thời điều tra, khảo sát, phân loại đối tượng nghèo, nguyên nhân nghèo; đề xuất các quan điểm, mục tiêu và giải pháp giảm nghèo bền vững cho các tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc… Hội nghị là bước khởi động quan trọng cho triển khai các nhiệm vụ giảm nghèo cho Tây Bắc trong thời gian tới.
Phát triển kinh tế vùng Tây Bắc cần gắn với việc bảo vệ môi trường, phát triển “xanh,” bởi vùng Tây Bắc nếu bị ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vùng châu thổ sông Hồng. Trong phát triển kinh tế, điều kiện quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường sinh thái. Trong đó, vùng Tây Bắc có thể phát triển dịch vụ du lịch, từ đó tạo công ăn việc làm, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Đồng thời, Tây Bắc có thể nghiên cứu việc chế biến, sơ chế các sản phẩm đặc thù của vùng, đẩy mạnh kinh tế hợp tác, xây dựng các hợp tác xã kiểu mới. Kinh tế hợp tác sẽ liên kết người dân, làng xã trong vùng, giúp ổn định an ninh, chính trị trong vùng, bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; đánh giá, rà soát lại các chính sách giảm nghèo hiện hành, trên cơ sở đó tích hợp, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới các chính sách giảm nghèo; ưu tiên các nguồn vốn ODA cho việc xây dựng hệ thống giao thông trong vùng; huy động sự tham gia của cả hệ thống trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vùng Tây Bắc.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị cùng với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành liên quan cần sớm xây dựng kế hoạch đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, để xác định các nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới…/.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()