Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt hơn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Sáng 27-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại điểm cầu Hà Nội. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội: Nông dân Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Cựu chiến binh Việt Nam… Tại điểm cầu các địa phương có: Bí thư thành ủy, tỉnh ủy, chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực vệ sinh ATTP; lãnh đạo các sở, ban, ngành và một số quận, huyện trọng điểm về ATTP.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vấn đề được bàn tại hội nghị này cũng là vấn đề được toàn xã hội và người dân hết sức quan tâm, trong đó có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người, cơ quan quản lý liên quan công tác bảo đảm ATTP, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng người dân sử dụng thực phẩm bẩn mà không có ai chịu trách nhiệm. Đồng thời, phát huy và tăng cường vai trò giám sát của mọi cấp ngành, nhất là các cơ quan dân cử, tạo chuyển biến cụ thể trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể để tập trung giám sát, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP. Do vậy, các ý kiến thảo luận phải tập trung đề ra cơ chế, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, cách làm tốt nhất, rõ nét nhất để thực hiện công tác bảo đảm ATTP.
Báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, hiện nay cả nước còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm ATTP. Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn; phần lớn các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện. Nguồn lực ở một số địa phương cho công tác này còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát và đấu tranh với các hành vi vi phạm vệ sinh ATTP. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu, như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, chế biến, nhất là tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật… Hiện tại, còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm, giải quyết dứt điểm, như: vấn đề sử dụng sabutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng…
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp quản lý để bảo đảm vệ sinh ATTP. Theo đó, cần giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các cấp từ quận, huyện đến phường, xã trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP; niêm yết rõ nguồn gốc thực phẩm, tên chủ cơ sở sản xuất, tên nhà cung cấp từ khâu nuôi trồng, vận chuyển và bán lẻ giúp người dân dễ dàng giám sát. Bên cạnh tăng chế tài xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định ATTP cũng cần có cơ chế xử lý trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan tình trạng lộn xộn quản lý ATTP; cho phép các tỉnh, thành phố tổ chức bộ máy chuyên trách (nhưng không được tăng biên chế) để thống nhất quản lý ngành dọc trong quản lý ATTP…
Phát biểu ý kiến kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ATTP không chỉ ảnh hưởng giống nòi của dân tộc, mà còn cả uy tín quốc tế của đất nước. Do vậy, phải có các biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của Đảng và nhân dân. Để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trước hết cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn; xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về vệ sinh ATTP. Vì nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công; người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm, nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình. Đồng thời, phải có bộ máy tổ chức đủ mạnh làm công tác này, huy động các lực lượng, như đoàn thanh niên, hội Cựu chiến binh, hội Phụ nữ… vào cuộc một cách mạnh mẽ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trưởng ban chỉ đạo ATTP tại địa phương phải do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đảm nhiệm; ưu tiên dành kinh phí cho việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực này, sau đó thu phí và hoàn vốn. Phải bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý ATTP, bao gồm: kinh phí kiểm tra, tiêu hủy; đầu tư trang thiết bị; bồi dưỡng nguồn nhân lực; động viên nhân dân… Thủ tướng đồng ý để lại 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính cho công tác quản lý ATTP địa phương. Phải xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về ATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm vệ sinh ATTP, cũng như các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này. Trước mắt, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng lựa chọn các loại thực phẩm tươi sống, gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát… nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, nhất là ý kiến đóng góp của đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Văn phòng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm ATTP để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian sớm nhất.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()