LSO-Thời gian qua, tại Lạng Sơn, cây cà chua đã có thể trồng được quanh năm, nhưng vẫn chủ yếu là trồng vào vụ đông - đây cũng là thời điểm có rất nhiều loại rau quả bán trên thị trường cho nên giá cà chua thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Việc trồng cà chua trái vụ có thể cho giá trị cà chua thương phẩm cao gấp 2-3 lần cà chua chính vụ. Mới đây, phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào trồng cà chua trái vụ để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà chua ở địa phương. Cà chua trái vụ ở huyện Bắc SơnMột số cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp ở huyện Bắc Sơn khẳng định: cây cà chua trái vụ được bà con nông dân huyện Bắc Sơn đưa vào trồng được gần 10 năm. Tuy thời gian chưa dài nhưng cà chua trái vụ của bà con đã có mặt trên thị trường toàn tỉnh và cả trên thị trường một số tỉnh khác như Thái Nguyên. Hiệu quả...
LSO-Thời gian qua, tại Lạng Sơn, cây cà chua đã có thể trồng được quanh năm, nhưng vẫn chủ yếu là trồng vào vụ đông – đây cũng là thời điểm có rất nhiều loại rau quả bán trên thị trường cho nên giá cà chua thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Việc trồng cà chua trái vụ có thể cho giá trị cà chua thương phẩm cao gấp 2-3 lần cà chua chính vụ. Mới đây, phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào trồng cà chua trái vụ để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà chua ở địa phương.
Cà chua trái vụ ở huyện Bắc Sơn
Một số cán bộ công tác lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp ở huyện Bắc Sơn khẳng định: cây cà chua trái vụ được bà con nông dân huyện Bắc Sơn đưa vào trồng được gần 10 năm. Tuy thời gian chưa dài nhưng cà chua trái vụ của bà con đã có mặt trên thị trường toàn tỉnh và cả trên thị trường một số tỉnh khác như Thái Nguyên. Hiệu quả kinh tế từ cây cà chua trái vụ mang lại trong thời gian qua là không phải bàn cãi. Giá cà chua thương phẩm trên thị trường hiện tại từ 8- 10 nghìn đồng/kg. Tuy vậy, thời gian qua, do giá trị kinh tế cao khiến bà con đua nhau trồng mà không tính đầu ra cũng như quan tâm đến kỹ thuật trồng. Chính điều này đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng quả, năng suất, ví như vào thời điểm tháng 7/2011, cà chua ở một số xã như Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Long Đống… chín đỏ nhưng không có người thu mua, hoặc mua thì giá cũng chỉ được 1.000đồng/kg.
Trước thực tế đó, mới đây phòng NN&PTNT huyện Bắc Sơn đã đi học hỏi, sau đó về áp dụng những phương pháp khoa học mới vào trồng cà chua trái vụ. Ông Dương Thời Thịnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, trong những năm gần đây nhờ áp dụng nhiều biện pháp cải tiến kỹ thuật về giống, bố trí lịch rải vụ trồng và kỹ thuật canh tác, một số hộ gia đình đã trồng được cà chua trái vụ (cả vụ sớm lẫn vụ muộn) cho lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với cà chua chính vụ. Tuy nhiên, do tác động của các yếu tố thời tiết, khí hậu bất thuận nên cà chua trái vụ rất khó trồng, dễ thất bại bởi thường bị nhiều bệnh hại tấn công như héo rũ, héo xanh, bệnh vàng lá, xoăn lá virus gây chết cây, bệnh thối quả… Sau khi đi thực tế, qua nghiên cứu kỹ một số giống cà chua và cách làm hiện nay của bà con, cơ quan chuyên môn của huyện đã rút ra một số kinh nghiệm trong cách trồng cà chua trái vụ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cà chua thương phẩm. Theo đó, phòng NN&PTNT huyện phối hợp cùng trạm khuyến nông, cử cán bộ kỹ thuật xuống tận ruộng hướng dẫn, phổ biến một số quy trình mới trong cách trồng cà chua cho bà con. Cụ thể: về giống, hiện ở nước ta có nhiều bộ giống cà chua lai F1 nhập nội với nhiều ưu điểm như năng suất cao, chất lượng tốt, sinh trưởng khỏe, thời gian cho thu quả kéo dài, khả năng chống chịu khá với 1 số loại bệnh, khả năng chịu nhiệt cao nên có thể trồng được cả 3 vụ (vụ sớm, chính vụ, vụ muộn). Tùy theo thời vụ và nhu cầu lấy quả mà bà con liên hệ với các đại lý hạt giống rau và các công ty giống cây trồng để được tư vấn cụ thể. Trong cả vụ cà chua sớm và muộn thường đều gặp thời tiết bất lợi như mưa nhiều, độ ẩm cao, nhiệt độ cao nên cà chua hay bị các bệnh nấm, vi khuẩn và virus tấn công gây hại tập trung vào giai đoạn cây bắt đầu ra hoa cho đến khi thu hoạch. Do đó bà con nên áp dụng biện pháp ghép ngọn cà chua trên ngọn cà tím để trồng vì giống cà tím có khả năng chống chịu và kháng các bệnh nói trên rất cao. Cùng với đó, khâu chuẩn bị đất cũng rất quan trọng, vì trồng trái vụ gặp thời tiết không thuận lợi nên tùy theo thời vụ mà áp dụng các biện pháp làm đất cho thích hợp. Cuối cùng là áp dụng kỹ thuật làm giàn đỡ cây, cắt tỉa bớt lá già, nhánh phụ ở gốc để thông thoáng, hạn chế sâu bệnh. Nếu có điều kiện nên đầu tư màng phủ nông nghiệp để hạn chế sâu bệnh gây hại, cỏ dại, đỡ công tưới nước và cũng hạn chế ảnh hưởng của độ ẩm trong các tháng mưa nhiều.
Trong những năm qua, huyện Bắc Sơn luôn quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Hầu hết các xã, thị trấn đều chủ động đưa những giống cây có năng suất, chất lượng vào gieo trồng. Đặc biệt, thời gian qua, Bắc Sơn đang đẩy mạnh việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh như: cà chua trái vụ ở các xã Hữu Vĩnh, Bắc Sơn, Quỳnh Sơn… Riêng đối với loại nông sản này, hiện nay trên địa bàn toàn huyện, ở xã nào cũng có bà con trồng, hộ trồng ít thì cũng có 1 sào, trồng nhiều thì 7 – 8 sào. Thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm sản lượng cà chua ở Bắc Sơn thu được khoảng 200 tấn. Với cách làm khoa học mới mà phòng NN&PTNT huyện đã và đang hướng dẫn bà con nông dân, hy vọng rằng, không chỉ sản lượng tăng mà chất lượng cà chua trái vụ năm nay ở Bắc Sơn cũng sẽ cao hơn.
Trí Dũng
Ý kiến ()