Ca bệnh tăng kỷ lục tại châu Âu, WHO cảnh báo Omicron khiến hệ thống y tế quá tải
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo biến thể Omicron có thể dẫn đến tình trạng hệ thống y tế bị quá tải dù các nghiên cứu trước đó cho rằng biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 gây bệnh có dấu hiệu nhẹ hơn so với biến thể Delta.
WHO đưa ra cảnh báo nêu trên trong bối cảnh số ca mắc mới tăng mạnh tại Mỹ và châu Âu.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), ước tính biến thể Omicron chiếm khoảng 58,6% trong những biến thể đang lây lan tại Mỹ tính đến ngày 25/12. Cơ quan y tế Mỹ đã rút ngắn thời gian cách ly đối với công dân không xuất hiện triệu chứng khi mắc Covid-19 từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.
Các hãng hàng không Delta Air Lines (DAL.N) và Alaska Air Group (ALK.N) của Mỹ đã hủy hàng trăm chuyến bay trong ngày 28/12 do thời tiết bất lợi và số ca nhiễm biến thể mới tăng mạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, một số bệnh viện tại nước này có thể bị quá tải nhưng nhìn chung cả nước đã chuẩn bị tốt để ứng phó với biến thể mới. Ông nhấn mạnh Omicron sẽ không gây ảnh hưởng mạnh như đợt dịch đầu tiên và làn sóng Delta vừa qua.
Trong 24 giờ qua, nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp… đã ghi nhận số ca mắc mới tính theo ngày cao kỷ lục. Hà Lan và Thụy Sĩ cho biết Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo tại 2 nước này.
Dữ liệu chính thức cho thấy, Omicron hiện chiếm 61,5% số ca nhiễm mới tại Bồ Đào Nha – quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 87% trong 10 triệu dân đã tiêm đủ liều cơ bản.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Nam Phi – quốc gia đầu tiên phát hiện biến thể Omicron – đã giảm 29%.
Theo WHO, dữ liệu ban đầu của Anh, Nam Phi và Đan Mạch – những quốc gia hiện có tỷ lệ lây nhiễm/người cao nhất thế giới – cho thấy nguy cơ nhập viện của người nhiễm biến thể Omicron thấp hơn so với người nhiễm biến thể Delta.
WHO cho rằng không nên có tâm lý tự mãn ngay cả khi các phát hiện sơ bộ cho thấy Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta. Giám đốc phụ trách vấn đề Covid-19 của WHO tại châu Âu, bà Catherine Smallwood, dự báo sự phát triển nhanh chóng của Omicron vẫn có thể dẫn tới nhiều ca nhập viện, đặc biệt là những nhóm chưa tiêm ngừa Covid-19, và làm gián đoạn hệ thống y tế cũng như các dịch vụ thiết yếu khác.
Để kiểm soát làn sóng lây nhiễm hiện nay, nhiều quốc gia châu Âu đã nối lại các biện pháp hạn chế có thể ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội. Phần Lan thông báo sẽ cấm du khách nước ngoài chưa tiêm ngừa Covid-19 nhập cảnh nước này, chỉ có người cư trú, lao động thiết yếu và nhà ngoại giao là trường hợp ngoại lệ.
Thụy Điển đã bắt đầu yêu cầu hành khách không phải người cư trú tại nước này xuất trình kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính kể từ ngày 28/12. Trước đó 1 ngày, Đan Mạch đã triển khai biện pháp tương tự.
Tại Đức, nhà chức trách chỉ cho phép các cuộc tụ tập riêng tư có tối đa 10 người đã tiêm chủng hoặc 2 hộ gia đình không có người chưa tiêm chủng. Các hộp đêm đều bị đóng cửa, mọi giải thi đấu thể thao sẽ diễn ra nhưng không có khán giả.
Hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại Đức tối 27/12 để phản đối các biện pháp hạn chế. Một số người biểu tình quá khích đã ném pháo hoa và chai lọ vào lực lương an ninh và khiến ít nhất 12 cảnh sát bị thương.
Trong thời gian cao điểm đi lại trong năm, từ ngày 24/12 vừa qua, khoảng 11.500 chuyến bay trên thế giới đã bị hủy, hàng chục nghìn chuyến bay khác bị trì hoãn. Nhiều hãng hàng không cho rằng nguyên nhân dẫn tới thực tế này là thiếu nhân viên do số ca nhiễm Omicron tăng vọt.
Ý kiến ()