Bưu điện tỉnh: Linh hoạt tham gia phát triển kinh tế số
– Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh, Bưu điện tỉnh đã linh hoạt triển khai các hoạt động dựa trên nền tảng sẵn có của doanh nghiệp. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nông dân mở gian hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, vận chuyển hàng hóa, Bưu điện tỉnh còn mở các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm của người dân đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh…
Trong khi nhiều địa phương gặp khó trong khâu tiêu thụ nông sản thì giá na trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được ở mức ổn định từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng/kg tùy loại. Góp phần tạo nên sự bình ổn này có sự chủ động từ các doanh nghiệp, trong đó có Bưu điện tỉnh đã đưa nông sản Lạng Sơn lên các sàn thương mại điện tử. Trong vụ na năm 2021, Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ gần 60 tấn na qua sàn thương mại điện tử postmart.vn và kết nối với bưu điện các tỉnh, thành trong cả nước. Bên cạnh na, nhiều loại đặc sản Xứ Lạng khác như hạt dẻ, cao khô, quế, hồi, rau cải làn, bò khai… cũng đã được người tiêu dùng biết đến thông qua các gian hàng số trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Nhân viên Bưu điện huyện Chi Lăng hướng dẫn người dân thị trấn Chi Lăng đóng gói quả na
Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và kế hoạch của Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế số, tổ triển khai các cấp, nhóm xung kích trên địa bàn. Chúng tôi đã tập trung lực lượng và đào tạo nhanh trong nội bộ, đồng thời xây dựng các phương án: phát triển người bán, người mua, vận chuyển, đóng gói, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông trên mạng lưới bưu điện để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế số. Chúng tôi cũng chỉ đạo bưu điện huyện báo cáo UBND huyện các phương án triển khai từng cấp. Đặc biệt, bưu điện các cấp phối hợp với chính quyền địa phương chỉ rõ những vùng phát triển trước, phát triển sau tùy theo mức độ phủ của nông sản, đặc sản của từng vùng để triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế số.
Triển khai nhiệm vụ phát triển cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử, mở rộng đối tượng người mua, Bưu điện tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lựa chọn những người thực sự có nhu cầu kinh doanh trên không gian mạng tại các thôn, khối phố để đào tạo, bồi dưỡng. Bưu điện tỉnh chọn 10% số hộ nòng cốt tại các địa bàn là những hộ có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng lớn để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn mua và bán sản phẩm. Để không ảnh hưởng đến sản xuất, mùa vụ của nông dân, doanh nghiệp đã tổ chức hàng trăm hội nghị triển khai vào buổi tối và bố trí tối đa nhân viên hỗ trợ người dân. Cùng đó, Bưu điện tỉnh khuyến khích nhân viên mở các cửa hàng số để tiêu thụ nông sản và trở thành “đầu tàu”, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân tại địa bàn. Với cách thức truyền thông bằng hình ảnh chân thực, câu chuyện thực tế về những người nông dân giao dịch thành công đã lan tỏa rộng rãi chương trình phát triển kinh tế số trong cộng đồng. Từ ngày 20/7 đến nay, Bưu điện tỉnh đã phát triển được hơn 22.500 cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử.
Anh Hứa Quốc Công, phố Sặt, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Không chỉ được hướng dẫn cài đặt, vận hành cửa hàng số, cách sử dụng tài khoản thanh toán điện tử, tôi còn được nhân viên Bưu điện huyện chia sẻ kinh nghiệm thu hoạch, bao gói quả na cũng như các loại nông sản khác để hàng hóa vận chuyển đến tay khách hàng đảm bảo chất lượng, mẫu mã. Hiện nay, các nông sản gia đình sản xuất được tôi đều đăng bán trên gian hàng số.
Tranh thủ lợi thế có điểm bưu điện văn hóa tại tất cả các xã, thị trấn, huyện, thành phố, Bưu điện tỉnh đã đưa các sản phẩm của tỉnh vào giới thiệu, bước đầu là tại điểm bưu điện trung tâm các huyện. Các gian hàng trưng bày, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm như: chanh rừng, mật ong, phở khô, siro mật ong chanh, bí thơm, thạch đen, cao khô… Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Cùng đó, doanh nghiệp còn chủ động liên kết với bưu điện các tỉnh, thành phố trong cả nước hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Từ tháng 7/2021 đến nay, bưu điện các cấp đã hỗ trợ tiêu thụ gần 60 tấn na, 5 tấn vải thiều Hữu Lũng, 2.100 quả bưởi Phúc Trạch, Hà Tĩnh, 2,5 tấn nhãn lồng Hưng Yên…
Với đặc thù các sản phẩm triển khai trên sàn postmart.vn chủ yếu là nông sản, đặc sản địa phương, nhiều sản phẩm là hàng hoa quả tươi, thực phẩm qua chế biến nên có yêu cầu khắt khe về quy trình vận chuyển để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi giao đến tay khách hàng, Bưu điện tỉnh đã xây dựng kịch bản triển khai, áp dụng dịch vụ chuyển phát nhanh đối với các đơn hàng giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Giá cước được ưu đãi giảm 30% trên bảng cước dịch vụ chuyển phát nhanh (EMS TMĐT). Áp dụng mức cước ưu đãi đối với đơn hàng chuyển phát na trên sàn postmart.vn trong tháng 8/2021. Đối với hàng nông sản là củ, quả tươi và hàng dễ vỡ, nhân viên bưu điện tiến hành phân loại riêng bưu gửi (EMS THỰC PHẨM) ngay từ khâu chấp nhận, ưu tiên trong quá trình xử lý khai thác, vận chuyển. Với các nông sản là hoa quả tươi như: vải thiều Hữu Lũng, na Chi Lăng có phát sinh nhu cầu số lượng lớn, đơn vị tổ chức nguyên chuyến vận chuyển, rút ngắn thời gian tác nghiệp, chuyên nghiệp trong phục vụ, nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ.
Bưu điện tỉnh đang phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội để triển khai mở các cây ATM mềm giúp người dân tại các xã thuận lợi hơn khi nhận, gửi tiền. Thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với người dân trong công tác phát triển kinh tế số, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()