Bứt phá từ thế mạnh kinh tế cửa khẩu
(LSO) – Văn Lãng là huyện biên giới có 3 cửa khẩu phụ: Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình. Nhiệm kỳ qua, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Lãng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch liên quan tới phát triển khu vực kinh tế cửa khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng
Nhiệm kỳ qua, các cấp, ngành huyện Văn Lãng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh trong việc xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Trong đó, thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực các cửa khẩu: Cốc Nam, Na Hình, Tân Thanh và phân khu trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; nâng cấp, xây dựng hệ thống đường giao thông vào các cửa khẩu gồm: đường Na Sầm – Na Hình, đường Pác Luống – Tân Thanh… Bên cạnh đó, huyện phối hợp làm tốt công tác giải phóng mặt bằng dự án đường xuất, nhập khẩu (XNK) Tân Thanh (Việt Nam) đấu nối với Khả Phong (Trung Quốc). Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần nâng cao khả năng thông quan hàng hóa XNK và tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của địa phương.
Xe chở hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh
Mặt khác, nhiệm kỳ qua, các cấp, ngành ở Văn Lãng đã tích cực huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư, nâng cấp hạ tầng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu vực cửa khẩu, biên giới; phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng kho, bến xe, bãi đỗ xe, bãi sang tải hàng hóa… với tổng giá trị đầu tư trên 650 tỷ đồng. Qua đó đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Cụ thể, tại khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, một số dịch vụ phát triển nhanh như: dịch vụ quản lý, bốc xếp hàng hoá XNK, kinh doanh vận tải, du lịch… đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân các xã biên giới.
Phát huy thế mạnh kinh tế cửa khẩu
Nhờ cơ sở hạ tầng được quan tâm nên những năm qua, hoạt động thương mại, dịch vụ tại khu vực các cửa khẩu ở huyện Văn Lãng ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hoá của người dân và doanh nghiệp. Trong 5 năm qua, tổng kim ngạch XNK hàng hóa qua địa bàn đạt trên 9,2 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nội huyện từ năm 2015 đến nay đạt 47,2 triệu USD (tăng 35,5 triệu USD so với giai đoạn 2010 – 2015).
Kinh tế cửa khẩu phát triển đã góp phần đưa cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng, từng bước khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cụ thể, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp đạt 28,67% (mục tiêu 29,44%); ngành dịch vụ 40,43% (mục tiêu 43,44%); ngành công nghiệp – xây dựng đạt 30,9%, vượt 3,78% so với mục tiêu đầu nhiệm kỳ đề ra. Đời sống Nhân dân nhờ vậy từng bước được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 34,5 triệu đồng/năm (mục tiêu đề ra là từ 30 đến 35 triệu đồng/năm); tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 4,1%/năm (mục tiêu giảm 2% trở lên). Kinh tế phát triển, thu ngân sách trên địa bàn cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong 5 năm trở lại đây, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Văn Lãng ước đạt trên 1.394 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 21,6% so với dự toán tỉnh giao.
Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng khẳng định: Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế về kinh tế cửa khẩu trong nhiệm kỳ tới, huyện Văn Lãng tiếp tục huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư, nâng cấp hạ tầng tại khu vực cửa khẩu; đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại tại các chợ khu vực cụm xã, chợ cửa khẩu; tạo thuận lợi cho hoạt động XNK qua địa bàn; phát triển sản xuất các hàng hóa có thế mạnh của huyện để tăng kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, chú trọng khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm như: giao thông, nông nghiệp nông thôn, khu kinh tế cửa khẩu; phát triển thêm các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, vận tải, du lịch và trao đổi hàng hoá tại khu vực cửa khẩu.
Với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh từ cửa khẩu, tin tưởng rằng, nhiệm kỳ 2020 – 2025, kinh tế huyện Văn Lãng sẽ tiếp tục bứt phá, góp phần đưa huyện phát triển nhanh và bền vững
Ý kiến ()