Bứt phá trong chuyển đổi số
– Chuyển đối số là mô hình tổng thể, toàn diện được triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với 5 trụ cột gồm: chuyển đối số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số. Đây là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong năm 2022, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng.
Quyết tâm cao
Trong những năm qua, mặc dù công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đến năm 2021, toàn tỉnh có 200 thôn, bản trắng sóng 3G, 4G hoặc có sóng nhưng sóng yếu, không ổn định. Cùng đó, nhiều người dân chưa có điều kiện sử dụng điện thoại thông mình, hoặc có nhưng cấu hình thấp dẫn đến khó khăn trong sử dụng các ứng dụng về chuyển đổi số. Đồng thời với đó, dân số hơn 800.000 người, mật độ dân cư thưa (94,9 người/km2, chưa bằng 1/3 mật độ dân cư chung của cả nước) khiến công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cài đặt các ứng dụng số, nền tảng số lên điện thoại thông minh gặp nhiều khó khăn; trình độ dân trí chưa đồng đều; nguồn nhân lực cho chuyển đổi số còn hạn chế… Đó là những khó khăn mà Lạng Sơn phải đối mặt khi thực hiện công cuộc chuyển đối số toàn diện.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trải nghiệm ứng dụng Công dân số Xứ Lạng
Nhận thức rõ chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài giá trị truyền thống vốn có; giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, minh bạch; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. Với quyết tâm chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, ngày 28/9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 49 về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại thời điểm này, Lạng Sơn là 1 trong 6 tỉnh thành ban hành nghị quyết về chuyển đổi số sớm nhất trong cả nước, điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng bộ tỉnh về vấn đề này.
Trong đó, nghị quyết xác định 5 trụ cột chính gồm: chuyển đối số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số. Mục tiêu tổng quát của nghị quyết là đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị – xã hội; chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số với các hoạt động dựa trên công nghệ số và nền tảng số. Ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, Lạng Sơn sẽ là 1 trong 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Triển khai nghị quyết, các cấp, ngành đã đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triển và chỉ đạo thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng ban; 11/11 huyện, thành phố cũng nhanh chóng thành lập và kiện toàn ban chỉ đạo chuyển đổi số, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, bố trí kinh phí, nhân lực để thực hiện chuyển đổi số. Cùng đó, các sở, ban, ngành chủ động nghiên cứu, phối hợp triển khai số hóa các dữ liệu chuyên ngành, kết nối liên thông, đồng thời đẩy mạnh triển khai các nền tảng, ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Người dân thành phố Lạng Sơn tra cứu thông tin về thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: ngay khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh về triển khai chuyển đổi số, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và giao Phòng Văn hóa và Thông tin huyện là cơ quan đầu mối. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tổ chức triển khai công tác này.
Cách làm sáng tạo
Là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện nên không hề có hình mẫu, quy định, hướng dẫn nào để tham chiếu, học hỏi, chính vì vậy, để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp linh hoạt để khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục hạn chế về hạ tầng, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phủ kín sóng tại các khu vực trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các tập đoàn viễn thông đã sử dụng kinh phí từ nguồn viễn thông công ích phát triển trạm phát sóng trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, đã có thêm 158 vị trí trạm BTS được xây dựng, nâng tổng số vị trí trạm BTS hiện nay là 1.335 với 3.179 trạm. Tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp cung cấp phần mềm, ứng dụng số tối ưu hóa dung lượng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng điện thoại thông minh cấu hình thấp cũng có thể cài đặt và sử dụng nền tảng, ứng dụng số. Vấn đề gửi tiền vào tài khoản cá nhân, gửi tiền cho người bán hàng, nhận tiền từ người mua hàng cũng được giải quyết bằng cách xây dựng các cây ATM mềm tại các điểm bưu điện văn hóa của 200 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thông qua ứng dụng MB Bank của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội và hệ thống điểm phục vụ tại 80/200 xã thị trấn khách hàng của hơn 40 ngân hàng có thể thực hiện nạp tiền, chuyển tiền, rút tiền mặt mà không phải di chuyển xa để đến các cây ATM truyền thống.
Nhân viên Bưu điện tỉnh hướng dẫn đại biểu dự lễ khai trương nền tảng Công dân số Xứ Lạng mua sản phẩm trên sàn thương mai điện tử
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu cho UBND tỉnh theo hướng không đầu tư xây dựng phần mềm, nền tảng số mà thuê nền tảng của các công ty công nghệ, viễn thông, sau một thời gian dùng thử nghiệm nếu thấy hiệu quả thì tiến hành mua hoặc ký hợp đồng thuê lâu dài. Bằng cách làm này, các ứng dụng, nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn không mất nhiều thời gian, chi phí để xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện mà được đưa vào sử dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thời gian ngắn nhất.
Giải quyết vấn đề phổ cập nhanh các ứng dụng số, nền tảng số cho người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã có sáng kiến thành lập 1.676 tổ công nghiệp số cộng đồng với 7.856 thành viên phủ khắp các thôn, bản, khối phố trên địa bàn tỉnh. Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng là người trực tiếp sinh sống tại các thôn, bản, khối phố nên tốc độ phổ biến, cài đặt và sử dụng ứng dụng số được tăng lên theo cấp số nhân. Chỉ tính riêng trong năm 2022, toàn tỉnh phát triển được 515.293 tài khoản, đạt 114,5% kế hoạch. Trong đó: 207.796 tài khoản Công dân số Xứ Lạng, đạt 139% kế hoạch; 241.782 tài khoản thanh toán điện tử, đạt 161% kế hoạch và các tài khoản trên sàn thương mại điện tử.
Song song với đó, việc triển khai 5 trụ cột trong chuyển đổi số cũng được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Trong cơ quan đảng nền tảng điện toán đám mây (Cloud); ứng dụng các công nghệ số hiện đại như: Dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) được đưa vào để triển khai chuyển đổi số; dữ liệu được chuẩn hóa, số hóa; quy trình giải quyết công việc được xây dựng lại nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. UBND tỉnh triển khai xây dựng chính quyền số bằng việc xây dựng trung tâm chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; triển khai hệ thống hội nghị trực tuyến với 213 điểm cầu từ UBND tỉnh đến các xã, thị trấn; xây dựng hệ thống quản lý điều hành 3 cấp; ứng dụng chữ kỹ số trong các cơ quan nhà nước. Đối với kinh tế số, hoạt động quản lý, điều hành được giải quyết thông qua các ứng dụng công nghệ số. Giải quyết bài toán về xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã lựa chọn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để triển khai nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Nền tảng cửa khẩu số được xây dựng đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, Biên phòng và các lực lượng chức năng cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bến bãi, đại lý hải quan. Đến nay, nền tảng cửa khẩu số đã hoạt động ổn định với hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên nền tảng.
Kết quả vượt bậc
Chỉ sau hơn 1 năm triển khai đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp tỉnh ở Lạng Sơn có sự bứt phá trên các mặt. Cả 5 trụ cột về chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được những kết quả quan trọng. Điển hình trong các lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, giáo dục, y tế, cửa khẩu số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Qua đó, thứ hạng các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (CPI); hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAX INDEX) được nâng lên theo từng năm.
Bộ đội biên phòng tỉnh được tập huấn sử dụng nền tảng cửa khẩu số
Nhận thức về chuyển đổi số trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có chuyển biến tích cực. Các hoạt động về chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các ứng dụng số, nền tảng số được người dân đón nhận và sử dụng trong đời sống hằng ngày như thanh toán không dùng tiền mặt, trợ lý ảo hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính…
Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 18/30 chỉ tiêu của mục tiêu đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết số 49. Tiêu biểu như: 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện thực hiện mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần; số liệu báo cáo phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ; 50% hộ gia đình tham gia mua, bán trên nền tảng thương mại điện tử, 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử; 100% người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; 100% trường học sử dụng nền tảng số trong giảng dạy và quản lý. Các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh kết nối với tuyến trên phục vụ khám chữa bệnh qua nền tảng công nghệ số, các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu được cung cấp dịch vụ trên nền tảng cửa khẩu số…
Công tác xây dựng chính quyền số từng bước được hoàn thiện với các hệ thống thông tin, đổi mới phương thức làm việc phục vụ chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, hệ thống quản lý văn bản, truyền hình trực tuyến, ứng dụng chứng thư số, chữ ký số, thư điện tử công vụ được triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Nền tảng dữ liệu điện toán đám mây được hoàn thành từng bước đưa hệ thống thông tin các sở, ngành, địa phương về quản lý tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh. Trung tâm Chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh được đưa vào hoạt động, bên cạnh theo dõi, giám sát các số liệu về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, còn tiếp nhận hàng trăm ý kiến đóng góp, phản ánh của người dân về đời sống xã hội. Nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính được cập nhật với 255 luật, 777 nghị định, 1.540 thông tư, 3.170 văn bản điều hành.
Thanh niên thành phố Lạng Sơn quét mã QR để nhận tài liệu tập huấn
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 12/2022, Lạng Sơn có trên 19.500 sản phẩm hàng hóa được đưa lên sàn thương mại điện tử, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2021; có hơn 42.800 giao dịch thành công, tăng 372% so cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 4 toàn quốc về số giao dịch. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thu sản phẩm từ trong huyện, trong tỉnh ra toàn quốc.
Nhờ tập trung phát triển xã hội số mà tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có internet cáp quang đạt trên 63%; trợ lý ảo đã thực hiện trên 32.000 lượt hỏi – trả lời, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện trên 1.800 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Cùng đó, hơn 12.000 lượt cán bộ, trên 500.000 lượt người dân được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số…
Đặc biệt, nền tảng cửa khẩu số đã được xây dựng và chính thức đi vào vận hành từ 2/2022. Đến tháng 12/2022, 100% doanh nghiệp đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi phương tiện đến Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu Tân Thanh và được xử lý trên nền tảng cửa khẩu số. Qua đó nâng hiệu quả công tác quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước, tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Chuyển đổi số tại Lạng Sơn có tác động tích cực đến đời sống người dân trên nhiều mặt, ví dụ như chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh tôi có thể tra cứu thông tin về thủ tục hành chính của tỉnh, tra cứu thông tin về đất đai, đóng góp ý kiến với các cấp chính quyền, thanh toán các hóa đơn hằng ngày… thực sự rất thuận tiện cho người dân.
Với những kết quả đã đạt được, Lạng Sơn được xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Cùng đó, nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đã được nhận giải thưởng Viet Solutions 2022 cho bài toán chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương; Lạng Sơn cũng vinh dự là 1 trong 7 đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Trong năm 2022, đã có 12 tỉnh, thành phố đến Lạng Sơn học tập kinh nghiệm về chuyển đổi số. Những kết quả trên cho thấy nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, tìm ra hướng đi đúng cho công cuộc chuyển đối số của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tin rằng, với những bước đi, cách làm hợp lý, thời gian tới, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Ý kiến ()