Bứt phá giảm nghèo
LSO- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của người dân trong phát triển kinh tế, trong những năm gần đây, tỷ lệ giảm nghèo của xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng đạt bình quân trên 8%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Người dân thôn Đồng Bụt chăm sóc vườn ươm cây keo giống
Xác định giao thông khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, thiếu vốn sản xuất… là những rào cản trong công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Yên Bình đã xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu cụ thể, ưu tiên các nguồn lực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, xã đã bê tông hóa được hơn 10 km đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, xã tổ chức được 35 lớp tập huấn cho hơn 1.500 lượt người về chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các cây, con giống mới vào sản xuất. Để giải quyết nhu cầu vốn sản xuất cho người dân, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ các gói tín dụng với tổng dư nợ hiện nay đạt hơn 15 tỷ đồng.
Giảm nghèo phải xuất phát từ chính nhu cầu, ý thức của người dân. Do đó, xã đã định hướng, vận động bà con bỏ tập quán canh tác cũ, khai thác thế mạnh địa phương, chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Một trong những mô hình tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn là mô hình trồng cây ăn quả của Hợp tác xã (HTX) Cửu Long. Được thành lập năm 2016, HTX gồm 9 thành viên, chuyên trồng và kinh doanh giống cây ăn quả như ổi, thanh long, mít. Sau 4 năm đi vào hoạt động, HTX duy trì thu nhập ổn định đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, HTX thường xuyên phối hợp với chính quyền xã tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả. Chị Lý Thị Sáu, thôn Đồng La, xã Yên Bình cho biết: Từ khi có HTX, chúng tôi được học tập kinh nghiệm và mua được giống cây ăn quả đảm bảo chất lượng. Trong 3 năm qua, gia đình đã trồng được 300 cây ổi và hơn 200 gốc thanh long, thu nhập từ vườn cây ăn quả đạt 50 triệu đồng/năm. Năm 2019, gia đình đã thoát nghèo, đời sống được cải thiện hơn trước.
Tương tự, mô hình chăn nuôi dê của ông Phạm Văn Hoàn, thôn Đồng Xa bước đầu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Hoàn cho biết: Tận dụng thung lũng rộng, năm 2017, gia đình đã vay 50 triệu đồng để làm chuồng và mua 20 con dê về nuôi. Từ việc tham gia tập huấn và khai thác thông tin trên các phương tiện, tôi đã học tập được nhiều kiến thức quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ đàn dê. Mỗi năm, gia đình xuất bán được từ 1 hoặc 2 lứa dê, mang lại thu nhập hơn 70 triệu đồng.
Ngoài những mô hình trên, hiện trên địa bàn xã còn nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu khác như: mô hình kinh doanh vật liệu xây dựng ở thôn Đồng Bụt; trồng măng bát độ ở thôn Làng Lỷ, Đồng Bưa; chăn nuôi gia cầm ở thôn Đồng Bé, Đồng La… Trong đó xuất hiện nhiều hộ có thu nhập cao, đạt từ 200 đến 300 triệu đồng trở lên/năm như gia đình ông Vũ Viết Sơn, Phạm Văn Phước… Với các mô hình sản xuất hiệu quả của người dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội trên địa bàn, mang đến diện mạo mới cho một xã vùng 3. Qua tổng hợp, giai đoạn 2016 – 2019, tỷ lệ hộ nghèo xã Yên Bình giảm từ 50% xuống còn 16%, trung bình mỗi năm, xã giảm trên 8% hộ nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm.
Ông Đặng Xuân Tuấn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Hữu Lũng cho biết: Yên Bình là một trong 3 xã (Yên Bình, Hoà Lạc, Nhật Tiến) có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất trên địa bàn huyện. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm hỗ trợ, ưu tiên các nguồn vốn để triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo tại xã. Nét nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội ở Yên Bình là xu hướng hình thành các mô hình trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Các mô hình này vừa giải quyết việc làm cho lao động vừa hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo tiếp cận giống cây trồng, vật nuôi để sản xuất. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()