Buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp về cuối năm
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho hay hiện phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi. Các đối tượng buôn lậu cấu kết, móc nối với nhau hình thành đường dây trong, ngoài địa bàn khu vực biên giới; tổ chức lực lượng vận chuyển chuyên nghiệp và hoạt động rất chặt chẽ.
Thuốc lá được tập kết gần biên giới đợi thời cơ đêm tối, ngày nghỉ, giờ nghỉ, những nơi xa sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để vận chuyển qua biên giới. Sau khi qua biên giới thuốc lá sẽ được chuyển ngay lên các xe mô tô đang chờ sẵn và chạy với tốc độ nhanh theo từng tốp hoặc ngụy trang, lợi dụng chở hàng hóa hợp pháp cất giấu trên các ô tô khách, xe tải, ghe có trọng tải lớn… để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Thuốc lá điếu được vận chuyển qua biên giới tập trung vào chiều tối, từ 18h đến 5h sáng ngày hôm sau, quá trình vận chuyển luôn có người canh coi, theo dõi lực lượng làm nhiệm vụ, khi vận chuyển nếu hàng hóa bị bắt thì phải đền bù nên các đối tượng sẵn sàng cướp giật lại hàng khi bị bắt giữ.
Các chủ đầu nậu không trực tiếp vận chuyển mà thuê người vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ, vì vậy rất khó bị bắt giữ, nếu có bị bắt giữ thì đa phần chưa đủ định lượng để truy tố. Việc giao nhận hàng thường ở những nơi vắng, ít người qua lại và có nhiều đường để tẩu thoát; các địa điểm này cũng thường xuyên thay đổi.
Đặc biệt, các đối tượng không chứa thuốc lá trong nhà hoặc kho mà để ở các khoảng đất trống, vắng người. Sau đó cắt cử người trông coi, canh giữ, nếu bị phát hiện thì các đối tượng nhanh chóng chạy thoát thân bỏ lại hàng hóa, phương tiện nên rất khó khăn trong việc bắt giữ đối tượng cùng tang vật thuốc lá; nếu có bắt được đối tượng cùng tang vật cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự, vì trị giá hàng hóa bắt giữ thấp.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cũng cho biết từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, đến nay tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu từ Campuchia vào Việt Nam trên địa bàn Tây Ninh đã được kiềm chế.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điếu từ Campuchia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, giá trị tang vật bắt giữ của từng vụ việc xu hướng tăng.
Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trung bình 6 tháng, lượng thuốc lá ngoại nhập lậu được tiêu thụ ở TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên đến 225 triệu bao. Trong khi đó, báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của An Giang và Long An, 2 tỉnh có hoạt động buôn lậu thuốc lá mạnh nhất tại biên giới Tây Nam, số thuốc lá lậu thu giữ được chưa tới 2 triệu bao.
Xâm nhập sâu vào địa bàn tỉnh An Giang, dù đã bị lập biên bản, tịch thu, tiêu hủy và phạt hành chính vì buôn bán thuốc lá lậu nhiều lần, nhưng vì mặt hàng này đem lại mức chênh lệch cao gấp 4,5 lần so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, nên nhiều gian thương sẵn sàng bất chấp tất cả để kinh doanh mặt hàng có thể khiến họ thu về mức lợi nhuận chỉ sau ma túy.
Để tránh sự để ý của cơ quan chức năng, các gian thương đã đối phó bằng cách chỉ để vài bao tại quầy để bán cho khách lẻ, còn số lượng lớn được dấu kỹ ở một nơi bí mật, khi có khách hỏi mua sỉ mới mang ra.
Dù đã bị lập biên bản, tịch thu, tiêu hủy và phạt hành chính vì buôn bán thuốc lá lậu nhiều lần, nhưng vì mặt hàng này gọn nhẹ, dễ vận chuyển và quan trọng nhất là đem lại mức chênh lệch cao gấp 4, 5 lần so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, nên nhiều gian thương sẵn sàng bất chấp tất cả để kinh doanh mặt hàng có thể khiến họ thu về mức lợi nhuận cao này.
Đưa ra nguyên nhân khiến tình trạng thuốc lá buôn lậu gia tăng, ông Nguyễn Triết, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết do sự không thống nhất trong các văn bản pháp lý xử lý tội danh buôn lậu thuốc lá, nên tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu có chiều hướng gia tăng mạnh và diễn biến hết sức phức tạp.
Mặt khác, đây được đánh giá là mặt hàng siêu lợi nhuận bởi thuốc lá gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận cao, trốn tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%, đóng góp Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế nhập khẩu 135%. Thậm chí, ông Nguyễn Triết còn khẳng định, buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy.
Trong khi đó, đối tượng buôn lậu chủ yếu là nhóm cư dân biên giới không có việc làm ổn định, thông thạo ngôn ngữ, địa bàn để tham gia vận chuyển thuê hàng lậu, xuyên qua lại biên giới… khi bị lực lượng chức năng bắt giữ sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để cướp hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Triết, từ 1/1/2018, hành vi tàng trữ, buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu sẽ bị cấm và bị xử lý hình sự. Nắm bắt được điều này, các đối tượng buôn lậu đang tận dụng các tháng cuối năm tập trung vận chuyển, tàng trữ, buôn lậu thuốc lá ồ ạt và với số lượng lớn trước khi quy định liên quan trong Bộ luật Hình sự có hiệu lực.
Ngày 20/6, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi Điều 190, Điều 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến 3.000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên…
Ý kiến ()