LSO-Triển khai Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2011, năm 2012- “năm của giáo dục mầm non”, công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở tỉnh ta đã có những bước tiến vững chắc.
Giờ học của lớp mẫu giáo 5 tuổi tại Trường Mầm non 10/10,
thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định
Quán triệt Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, triển khai Kế hoạch số 105 của UBND tỉnh về phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi trong cả giai đoạn và mục tiêu của năm 2012. Là cơ quan vừa làm công tác tham mưu, vừa là người tổ chức thực hiện, ngành GD&ĐT đã có sự rà soát, đánh giá thực trạng GDMN trên địa bàn; tính toán và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương.
Thực hiện công tác phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi năm 2012, ngành giáo dục Lạng Sơn đứng trước nhiều thách thức, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để phát triển quy mô trường lớp, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tổ chức bán trú và học 2 buổi/ ngày. Trong khi đó, bệnh tay-chân-miệng tồn tại dai dẳng và lan rộng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các nhà trường… Với truyền thống khắc phục khó khăn, các địa phương đã vận dụng nhiều cách làm sáng tạo hiệu quả. Một mặt tích cực huy động trẻ trong các độ tuổi ra lớp, nhất là trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo và trẻ em 5 tuổi, đảm bảo cho các cháu được học chương trình giáo dục mầm non mới. Mặt khác tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; tăng cường công tác xã hội hóa, động viên người dân hiến đất xây dựng trường MN. Đến nay đã có trên 15 ngàn m2 đất do người dân các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Đình Lập… hiến tặng xây dựng trường mầm non. Bằng các hình thức linh hoạt, các nhà trường đã thuê nhân công, huy động người dân tham gia nấu ăn, nấu cơm tại trường chính để đưa tới các điểm trường cho các cháu. Chính sách đối với học sinh mầm non được đảm bảo kịp thời và đó là động lực mạnh mẽ để người dân đưa con em tới trường. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng cách tuyển mới, hợp đồng dài hạn, ngắn hạn, đảm bảo đầy đủ chế độ cho các cô giáo.Với các giải pháp đồng bộ, các địa phương đã hoàn thành kế hoạch phổ cập năm 2012, điển hình như Bắc Sơn, Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định, Đình Lập, thành phố Lạng Sơn… Nếu năm 2011, toàn tỉnh có 27/226 đơn vị hoàn thành phổ cập, thì đến tháng 12/2012, đã có 60 đơn vị hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, đạt 100% kế hoạch của năm. Tỷ lệ huy động trẻ em ra nhà trẻ đạt 29%, ra mẫu giáo đạt trên 98%, trong đó huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 99,6%. Số trường mầm non có tổ chức bán trú, học 2 buổi/ ngày đạt trên 99%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em 5 tuổi các thể chiều cao và cân nặng ở mức dưới 12%. Tiến sĩ Phạm Ngọc Thưởng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng, đây là kết quả tổng hợp của sự nỗ lực chung dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và triển khai của chính quyền, là tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ giáo viên trong ngành GD. Kết quả ấy chứng tỏ rằng, khi một chủ trương đúng đắn đã trở thành quyết tâm chính trị của toàn ngành; khi chủ trương hợp lòng dân đã đi vào cuộc sống thì sẽ được người dân hết lòng ủng hộ và những khó khăn bất cập sẽ được giải quyết.
Từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh phải có thêm 120 xã hoàn thành phổ cập. Nếu chia cho 3 năm, số lượng phổ cập của từng năm sẽ không nhiều, song những đơn vị còn lại hầu hết là các xã vùng 2, vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn. Ngay như thành phố Lạng Sơn đã hoàn thành phổ cập tại 5 phường nội thị song 3 xã ngoại thành vẫn là thách thức lớn trong việc phổ cập.
Năm 2013 là năm “bản lề” của chặng đường phổ cập giai đoạn 2011-2015. Vấn đề cần giải quyết chính là nguồn lực cho phổ cập. Đội ngũ giáo viên tuy còn thiếu, song có thể bổ sung được, nhưng trường lớp học và điều kiện dạy và học là khó khăn lớn nhất. Nếu có kế hoạch ngay từ đầu năm để giải quyết vấn đề cơ sở vật chất, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành kế hoạch phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi năm 2013.
Ý kiến ()