Thứ 4, 25/12/2024 13:25 [(GMT +7)]
Bước tiến vững chắc của giáo dục Đình Lập
Thứ 4, 22/02/2012 | 09:08:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Là huyện nghèo, địa hình rộng và bị chia cắt, nên hằng năm, cứ mỗi khi bước vào năm học mới, vấn đề đầu tiên mà toàn bộ hệ thống chính trị địa phương phải lo là làm sao đảm bảo “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở tới trường) cho học sinh và đảm bảo cơ sở vật chất (CSVC) cho dạy và học. Trong nhiều năm qua, với sự hỗ trợ có hiệu quả của các dự án như dự án dành cho học sinh tiểu học vùng khó khăn, dự án kiên cố hóa trường lớp học và các dự án khác… cùng với đó là thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hệ thống trường lớp của địa phương đã ổn định và đang được đồng bộ. Đến cuối học kỳ I năm học 2011-2012, chỉ tính riêng 42 trường từ cấp mầm non đến THCS, tỷ lệ trường có nhà vệ sinh chiếm tỷ lệ 81%, trong đó công trình vệ sinh hợp vệ sinh chiếm tỷ lệ 52,4%; số trường có đủ bàn ghế phù hợp với độ tuổi theo quy định đạt tỷ lệ 73,8%.
Học sinh Trường Mầm non thị trấn Nông trường (Đình Lập)
Thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, số trường mầm non trên địa bàn có 13 trường, tăng 2 trường so với năm học trước; thu hút 1809 trẻ ra lớp, trong đó trẻ từ 0-3 tuổi đạt 44% số trẻ trong độ tuổi- đạt tỷ lệ cao nhất trong toàn tỉnh; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,3%. Phát huy thành quả của công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, công tác huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt trên 99,5%, trong đó có 34 trẻ khuyết tật. Số học sinh được học 2 buổi/ ngày đã chiếm tỷ lệ 51%. Để giảm thiểu “gánh nặng” cho công tác bổ túc THCS, ngành đã huy động 94,1% dân số trong độ tuổi 11-14 tuổi ra lớp; số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt tỷ lệ 97,2%. Khắc phục tình trạng dân cư phân bố không đều, dự án lớp ghép cấp tiểu học tiếp tục được duy trì, song được nâng cao hơn về chất lượng. Năm học này toàn huyện còn 55 lớp ghép với 426 học sinh, chiếm tỷ lệ 18,5% tổng số học sinh tiểu học. Mở và duy trì 14 lớp bổ túc THCS với 266 học viên. Công tác nâng cao chất lượng dạy và học được tăng cường, trong đó quan tâm lớp bán trú, lớp 2 buổi/ ngày, dạy học tăng thời lượng, dạy Tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học, dạy lịch sử, địa lý địa phương, dạy Tiếng Anh, giáo dục mũi nhọn… Để đáp ứng nhu cầu phát triển, song song với đầu tư CSVC, giữ vững 4 trường đạt chuẩn QG; đội ngũ giáo viên được tăng cường. Đến nay, toàn ngành giáo dục (GD) Đình Lập có 852 cán bộ giáo viên, nhân viên. Trên đà đổi mới giáo dục phổ thông và mầm non trong toàn tỉnh, đội ngũ giáo viên Đình Lập đã không ngừng vươn lên đáp ứng ngày càng tốt hơn việc nâng cao chất lượng GD. Trong những năm đổi mới giáo dục phổ thông, từ một huyện còn nhiều yếu kém, Đình Lập đã vươn lên trở thành địa phương nằm trong tốp trung bình của tỉnh với nhiều thành tựu nổi bật như tỷ lệ huy động vào cấp học mầm non, chất lượng lớp ghép, chất lượng giáo dục bổ túc… Tuy vậy, trước yêu cầu của công tác nâng cao dân trí, bồi dưỡng chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội, giáo dục Đình Lập còn nhiều việc phải làm. Trước hết, song song với đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, cần thực hiện nhanh việc chuyển đổi, thành lập hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, huyện sẽ thành lập 11 trường, trong đó giai đoạn 2011-2012 thành lập 3 trường, năm học 2012- 2015 thành lập 8 trường. Kế hoạch là vậy, song công việc còn rất bề bộn, nhất là CSVC như nhà bán trú cho học sinh, tổ chức ăn ở, sinh hoạt và học tập cho học sinh bán trú. Về vấn đề này, cô giáo Nông Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học I xã Lâm Ca cho rằng, điều kiện tiên quyết để chuyển đổi sang loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú đối với nhà trường là nhà bán trú cho học sinh và nhà nội trú cho giáo viên. Được như vậy, tình trạng lớp ghép trên địa bàn sẽ giảm đi và chất lượng GD cũng được nâng lên. Bên cạnh đó, công tác phổ cập giáo dục THCS cần được quan tâm hơn, vì đây chính là đối tượng trong độ tuổi lao động của địa phương.
Ông Hoàng Xuân Mai, Trưởng phòng GD huyện khẳng định quyết tâm của huyện trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bào các dân tộc. Đồng thời bày tỏ, để sự nghiệp giáo dục của huyện tiếp tục phát triển, cần được sự quan tâm hơn của tỉnh, nhất là ưu tiên đầu tư CSVC phục vụ cho công tác dạy và học.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()