Bước tiến trong quản lý công trình thủy lợi
LSO-Theo phân cấp quản lý, UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý trên 340 công trình và 621 công trình giao cho UBND các huyện quản lý. Thực chất chỉ những công trình thủy lợi giao cho Công ty là có chủ thực sự, còn những công trình giao cho UBND cấp huyện, huyện phân cấp cho xã, xã giao cho các thôn hưởng lợi, trách nhiệm vẫn còn rất chung chung. Việc thành lập tổ hợp tác dùng nước là giải pháp quan trọng trong quản lý, vận hành các công trình thủy lợi nhỏ.
Nhân dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc kiên cố hóa kênh mương nội đồng |
Xã Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn được giao quản lý 2 công trình thủy lợi là hồ Mỏ Ắng và Mỏ Ngùa. Đây là hai công trình cấp nước sản xuất quan trọng cho thôn Pác Lũng và Hữu Vĩnh II. Tuy nhiên từ nhiều năm nay các công trình trên không phát huy được nhiều tác dụng bởi hồ nước bị bồi lắng và hệ thống kênh mương đất dẫn nước xuống cấp. Thế nhưng mọi chuyện đã đổi khác khi xã thành lập được 2 tổ hợp tác dùng nước Pác Lũng và Hữu Vĩnh II, đồng thời trong năm 2013 hợp đồng và kinh phí hoạt động cũng đã đến với các tổ hợp tác này. Ngay lập tức các hồ nước được nạo vét, hệ thống mương đất được khơi thông, duy tu, bảo dưỡng. Ông Dương Hữu Huề, Chủ tịch UBND xã Hữu Vĩnh cho biết: có tổ hợp tác dùng nước, việc quản lý, sử dụng và duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn khác hẳn, qua đó, cơ bản trên 100ha đất sản xuất nông nghiệp của Hữu Vĩnh đều chủ động được nước.
Về vấn đề này, ông Dương Đức Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bắc Sơn khẳng định: hiện nay Bắc Sơn đã thành lập được 120 tổ hợp tác, quản lý sử dụng 391 công trình thủy lợi nhỏ trên địa bàn. Năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký hợp đồng với các tổ hợp tác này đảm bảo chủ động nước cho hơn 1.600ha diện tích gieo trồng với trên 4.600 hộ gia đình được hưởng lợi. Ông Cường cho biết: sau khi ký hợp đồng, cơ quan chuyên môn sẽ kiểm tra, nghiệm thu và tiến hành chi trả cho các tổ hợp tác. Nguồn chi trả được cấp từ kinh phí bù hụt thủy lợi phí với định mức đúng theo hướng dẫn của Sở Tài chính.
Cũng như Bắc Sơn, cho đến nay huyện Hữu Lũng cũng đã thành lập được hơn 100 tổ hợp tác dùng nước, hiệu quả mang lại là rất rõ rệt. Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hữu Lũng nêu ví dụ: trước kia chưa thành lập tổ hợp tác, các công trình thủy lợi giao cho cấp xã quản lý thực ra rất chung chung, không có chủ thực sự. Bởi vậy mà khi vận hành cũng không có người giám sát, có nơi trạm bơm cháy, kinh phí huyện bỏ ra sửa vài ngày lại hỏng. Nay thì khác, quyền lợi gắn với trách nhiệm của các tổ hợp tác dùng nước, quản lý, vận hành và duy tu cũng vào nề nếp, hiệu quả tưới cao hơn hẳn. Ở Lộc Bình lại có cách làm khác, cũng thành lập các tổ hợp tác dùng nước, nhưng cũng có hẳn một hợp tác xã dùng nước. Có tư cách pháp nhân rõ ràng, hợp tác xã sẽ tiếp nhận kinh phí cấp bù hụt thủy lợi phí và tiến hành ký hợp đồng, chi trả đối với các tổ hợp tác dùng nước. Đây cũng là cách làm hay, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát.
Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhà nước đã đầu tư xây dựng 1.015 công trình thủy lợi kiên cố, trong đó có 271 hồ chứa, 692 đập dâng và 96 trạm bơm thủy luân. Ngoài ra nhân dân còn tự đầu tư xây dựng được 2.340 công trình tiểu thủy nông. Toàn tỉnh có tổng số 1.641 km kênh mương các loại của hệ thống công trình thuỷ lợi, trong đó hiện đã kiên cố hoá được 949 km đạt 57,8%. Thực tế theo phân cấp quản lý, thì chỉ những công trình giao cho Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý là có chủ thực sự. Những công trình giao cho huyện, huyện lại giao cho xã, xã đẩy về thôn, rất nhiều cấp, nhưng ai chịu trách nhiệm chính thì lại không rõ. Bởi vậy mà hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và cả duy tu, bảo dưỡng chưa cao.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương, để chính sách miễn giảm thủy lợi phí đi vào cuộc sống và để người dân thực sự được hưởng lợi, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động của công trình thủy lợi, từ năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Sở Tài chính đã phối hợp hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện. Một mặt hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, mặt khác hướng dẫn mức chi trả cho các tổ hợp tác này. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được trên 530 tổ hợp tác dùng nước và 1 hợp tác xã dùng nước.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hoạt động của các tổ hợp tác này đã bắt đầu phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, hiện nay các huyện có nhiều cách làm khác nhau. Cách nào là hiệu quả tối ưu nhất thì cấp có thẩm quyền đang tiếp tục kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm. Những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sẽ được tổng hợp lại để kiến nghị với Trung ương những giải pháp triển khai có hiệu quả nhất. Tất nhiên với những giải pháp hợp lý ấy, các công trình thủy lợi sẽ ngày càng được quản lý, vận hành một cách hiệu quả hơn, sửa chữa, bão dưỡng kịp thời hơn. Và đối tượng chính hưởng lợi là những người nông dân sản xuất có thêm động lực để phát triển.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()