Bước tiến trong đàm phán hòa bình ở Cô-lôm-bi-a
Ngày 26-5 vừa qua, sau hơn sáu tháng với nhiều vòng đàm phán kéo dài, Chính phủ Cô-lôm-bi-a và nhóm Lực lượng Vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) đã đạt được thỏa thuận về cải cách đất đai, một vấn đề cơ bản giúp hai bên tiến tới một hiệp định nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần nửa thế kỷ và khôi phục hòa bình, ổn định tại quốc gia Nam Mỹ này.
Ngày 26-5 vừa qua, sau hơn sáu tháng với nhiều vòng đàm phán kéo dài, Chính phủ Cô-lôm-bi-a và nhóm Lực lượng Vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC) đã đạt được thỏa thuận về cải cách đất đai, một vấn đề cơ bản giúp hai bên tiến tới một hiệp định nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần nửa thế kỷ và khôi phục hòa bình, ổn định tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tuyên bố chung được đưa ra khi kết thúc vòng đàm phán thứ 9 giữa đại diện Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC tại Thủ đô La Ha-ba-na của Cu-ba cho biết, thỏa thuận mới về cải cách đất đai mà hai bên đạt được là bước “chuyển biến cơ bản” về nông nghiệp và phát triển nông thôn Cô-lôm-bi-a, nơi mà giới chủ chỉ chiếm 1% dân số lại sở hữu hơn 50% diện tích đất đai canh tác của nước này.
Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giao đất cho người dân ở các vùng nông thôn Cô-lôm-bi-a. Chính phủ Cô-lôm-bi-a cam kết tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho vùng nông thôn, nỗ lực khắc phục tình trạng phát triển kinh tế – xã hội không đều giữa các vùng miền của nước này; đồng thời sẽ bồi thường cho những người dân mất đất hoặc bị buộc phải di dời nhà cửa, ruộng vườn; khẳng định cải cách đất đai là điều kiện cần thiết để hai bên đạt được đồng thuận đối với chương trình nghị sự tổng thể. Tổng thống Cô-lôm-bi-a H.Xan-tốt đánh giá cao kết quả của vòng đàm phán tại Cu-ba như bước tiến quan trọng hướng tới một hiệp định hòa bình toàn diện nhằm chấm dứt xung đột tại Cô-lôm-bi-a; khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục đàm phán với FARC với tinh thần thận trọng và trách nhiệm. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun cũng hoan nghênh thỏa thuận về cải cách đất đai mà Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC vừa đạt được, coi đây là thành tựu có ý nghĩa đáng ghi nhận; bày tỏ hy vọng hai bên tiếp tục nỗ lực đạt được thỏa thuận về những vấn đề còn lại nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất ở Mỹ la-tinh này. Nhiều nước trong khu vực cũng bày tỏ vui mừng về tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán hòa bình ở Cô-lôm-bi-a. Phát biểu ý kiến trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Cô-lôm-bi-a Xan-tốt tại Thủ đô Bô-gô-ta đang thăm Cô-lôm-bi-a, Phó Tổng thống G.Bai-đơn nhấn mạnh, Oa-sinh-tơn ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Chính phủ Cô-lôm-bi-a nhằm đạt được nền hòa bình mang tính lịch sử với FARC. Cô-lôm-bi-a là nước đồng minh gần gũi nhất của Mỹ tại khu vực Mỹ la-tinh. Từ năm 2000 đến nay, Bô-gô-ta đã nhận được các khoản viện trợ trị giá hơn tám tỷ USD từ Oa-sinh-tơn trong các chương trình đào tạo và chuyển giao công nghệ, nhất là hỗ trợ quân sự nhằm chấm dứt xung đột và khôi phục hòa bình ở Cô-lôm-bi-a.
Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC đã bắt đầu tiến hành đàm phán từ tháng 11-2012, nhằm tiến tới một thỏa thuận hòa bình toàn diện, chấm dứt cuộc xung đột vũ trang đã kéo dài gần 50 năm qua ở quốc gia Nam Mỹ này. Các vấn đề như cải cách đất đai, tương lai chính trị của FARC, nạn buôn lậu ma túy, giải giáp vũ khí và chính sách cho các nạn nhân của cuộc xung đột, được coi là nội dung chính trong chương trình nghị sự. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, FARC và Chính phủ Cô-lôm-bi-a đã ba lần đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhưng vì nhiều lý do, các cuộc đàm phán đã đổ vỡ. Theo các nhà phân tích chính trị, cuộc đàm phán lần này, dưới sự bảo trợ của Cu-ba và Na Uy, đang chuyển động theo hướng mới tích cực, khi hai bên có những động thái nhượng bộ và tỏ rõ thiện chí muốn chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, ổn định cho đất nước. Xu thế hòa bình, tăng cường hợp tác, liên kết và tiến trình dân chủ hóa sâu sắc đang diễn ra ở khu vực Mỹ la-tinh khi lực lượng cánh tả lên nắm quyền ở nhiều nước trong khu vực như Vê-nê-xu-ê-la, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Pê-ru, Ni-ca-ra-goa, Ê-cu-a-đo… cũng tác động và ảnh hưởng tích cực tới đời sống chính trị, góp phần tạo điều kiện để các bên đối đầu ở Cô-lôm-bi-a xích lại gần nhau hơn.
MẶC dù còn phải giải quyết nhiều vấn đề mâu thuẫn, phức tạp, nhưng với khát vọng về một nền hòa bình bền vững của người dân Cô-lôm-bi-a và thiện chí của các bên liên quan, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, hy vọng cuộc đàm phán giữa Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC sẽ sớm đạt kết quả, nhằm chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình và ổn định ở quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()