Bước tiến quan trọng để Hiệp ước START mới có hiệu lực
Cả hai viện của QH Nga đã phê chuẩn Hiệp ước giữa LB Nga và Mỹ về các biện pháp cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới, Văn kiện này cũng đã Được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 22-12-2010. Đây là các bước tiến quan trọng để hiệp ước START có hiệu lực.Hiệp ước START mới được Tổng thống LB Nga Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma ký tại Pra-ha (CH Séc) tháng 4-2010, nhằm thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn một (START-1) hết hiệu lực từ tháng 12-2010. Hiệp ước START-1, vốn được coi là biểu tượng kết thúc chiến tranh lạnh, đã được các nước Mỹ, Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và U-crai-na ký tháng 7-1991 và có hiệu lực từ tháng 12-1994. Theo quy định của START-1, các bên tham gia phải cắt giảm đáng kể vũ khí tiến công chiến lược, chủ yếu là đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom), từ 10.000 đơn vị xuống không quá 6.000 đầu đạn hạt nhân, 1.600 thiết bị phóng. Đồng thời, hiệp ước đề ra cơ chế, thủ tục giám sát quá...
Hiệp ước START mới được Tổng thống LB Nga Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma ký tại Pra-ha (CH Séc) tháng 4-2010, nhằm thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn một (START-1) hết hiệu lực từ tháng 12-2010. Hiệp ước START-1, vốn được coi là biểu tượng kết thúc chiến tranh lạnh, đã được các nước Mỹ, Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan và U-crai-na ký tháng 7-1991 và có hiệu lực từ tháng 12-1994. Theo quy định của START-1, các bên tham gia phải cắt giảm đáng kể vũ khí tiến công chiến lược, chủ yếu là đầu đạn hạt nhân, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom), từ 10.000 đơn vị xuống không quá 6.000 đầu đạn hạt nhân, 1.600 thiết bị phóng. Đồng thời, hiệp ước đề ra cơ chế, thủ tục giám sát quá trình giải trừ hạt nhân.
Nga và Mỹ sau đó ký tiếp Hiệp ước hạn chế vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn hai (còn gọi là START-2), theo đó yêu cầu các bên giảm mạnh số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2002 Nga rút khỏi START-2, nhằm đáp trả Mỹ vi phạm Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa năm 1972. Sau đó, cũng trong năm 2002, Nga và Mỹ ký Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tiến công chiến lược, yêu cầu tới tháng 12-2012 mỗi bên phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân đã được triển khai xuống mức 1.700 – 2.200 đơn vị.
Hiệp ước START mới (còn gọi là START-3) quy định trong vòng bảy năm, kể từ ngày hiệp ước chính thức có hiệu lực, Nga và Mỹ phải cắt giảm khoảng một phần ba tiềm năng hạt nhân tiến công của mình. Sau bảy năm, số phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân của mỗi bên (gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và các máy bay ném bom hạng nặng) sẽ giảm còn một nửa so với START-1, tức là từ 1.600 xuống còn 700 đơn vị. Cùng với đó, số đầu đạn hạt nhân của mỗi bên phải giảm hơn 30% so với Hiệp ước cắt giảm tiềm lực tiến công chiến lược được hai bên ký tại Mát-xcơ-va năm 2002, từ 2.200 còn 1.550 đơn vị. Số bệ phóng tên lửa (gồm cả đã và chưa triển khai) của mỗi bên không vượt 800 đơn vị. Hiệp ước có hiệu lực trong mười năm và có thể gia hạn 5 năm.
Sau nửa năm thảo luận căng thẳng, QH của cả hai nước đã phê chuẩn START mới, kèm theo một số điều khoản bổ sung văn kiện chính thức. Về phía Nga, nội dung cốt lõi của những yêu sách và điều kiện bổ sung là khả năng Nga rút khỏi hiệp ước này nếu phía Mỹ hoặc các đồng minh trong NATO đơn phương vi phạm START mới, bằng việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) hoặc các hệ thống tương tự của NATO có khả năng đe dọa an ninh quốc gia và khả năng phòng thủ của Nga. Đu-ma quốc gia Nga khẳng định phải bảo lưu quyền của LB Nga về duy trì tiềm lực hạt nhân và khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Nga, cụ thể là bảo lưu quyền chế tạo và thử vũ khí mới, cũng như quyền không phải thông tin cho phía Mỹ về những cuộc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Thượng viện Nga bổ sung một loạt điều khoản, trong đó mô tả các điều kiện cụ thể khiến Nga có thể rút khỏi Hiệp ước, khẳng định mối liên hệ giữa START với NMD. Các nhà lập pháp Nga cho rằng, Hiệp ước START mới chỉ được thực hiện, nếu duy trì được tiềm năng lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga ở mức độ đủ để bảo đảm an ninh quốc gia…
Việc START mới được QH hai nước phê chuẩn có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu cột mốc trong tiến trình giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân trên thế giới. Và đây là hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với số lượng đáng kể đầu tiên, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Động thái trên được đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh thế giới hiện nay chi tiêu quân sự toàn cầu tiếp tục xu hướng gia tăng, bất chấp những thiệt hại do khủng hoảng kinh tế. Năm 1968, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của LHQ ra đời được kỳ vọng giúp chấm dứt chạy đua vũ trang hạt nhân, tiến tới giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, loại vũ khí giết người hàng loạt này không những không giảm, mà còn tiếp tục tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI) ở Xtốc-khôm (Thụy Điển), năm 2009, thời điểm kinh tế toàn cầu suy thoái nặng nề do khủng hoảng tài chính, vẫn có tới 65% quốc gia tăng chi tiêu quân sự. Đến nay đã có 188 quốc gia thành viên LHQ ký NPT, nhưng vẫn còn các nước được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân, như Ấn Độ, Pa-ki-xtan hay I-xra-en, tiếp tục từ chối tham gia Hiệp ước này…
Nga và Mỹ, hai cường quốc sở hữu hơn 90% số vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, gạt bỏ bất đồng để đạt được thỏa thuận về START mới, đã tạo động lực mới cho các nỗ lực phi hạt nhân hóa, hướng tới mục tiêu một thế giới không hạt nhân. Mục tiêu đó chỉ trở thành hiện thực khi các bên tuân thủ nghiêm túc những thỏa thuận đã ký kết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()