Bước tiến mới từ Luật Lâm nghiệp
Dự kiến năm 2018 Việt Nam sẽ đạt độ che phủ 41,6%. |
Luật cho một ngành công nghiệp mới
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Luật Lâm nghiệp không chỉ liên quan đến trồng, bảo vệ và phát triển rừng mà còn có cả một ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Triển khai luật này phải tập trung vào việc quản lý rừng bền vững, có truy xuất nguồn gốc gỗ. Bên cạnh đó, chúng ta cần tranh thủ tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại mang lại, đặc biệt là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 59 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 – 28/11/2018) do Tổng cục Lâm nghiệp và Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới ngành lâm nghiệp phải tập trung thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách kịp thời, có hiệu quả, bảo đảm các quy định pháp luật về lâm nghiệp được tuyên truyền, phổ biến một cách rộng rãi đến toàn xã hội
Bên cạnh những kết quả đạt được khá toàn diện của ngành đến thời điểm này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn còn đánh giá cao việc ngành đã kiểm soát rất chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Diện tích rừng được các địa phương đề nghị chuyển đổi sử dụng rất lớn, nhưng ngành lâm nghiệp đã kiểm soát chặt chẽ, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ chỉ cho phép chuyển đổi trên 1.000 ha.
“Nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ thì diện tích được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sẽ rất lớn. Những dự án được phép chuyển đổi là những dự án về an ninh quốc phòng, an sinh xã hội quan trọng. Đây cũng chính là việc góp phần bảo vệ rừng ngày càng bền vững hơn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và nhiều chính sách quan trọng khác, tài nguyên rừng được phục hồi nhanh. Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng, dự kiến năm 2018 sẽ đạt độ che phủ 41,6%. Trong khi bình quân của thế giới chỉ khoảng 29%. Cùng với đó là việc quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên phạm vi cả nước có những chuyển biến hết sức tích cực. Số vụ vi phạm và diện tích thiệt hại được kiểm soát tốt và có xu hướng giảm dần. Năm 2018, toàn ngành phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm và 30% về diện tích thiệt hại so với năm 2017.
Lũy kế 11 tháng năm 2018, cả nước đã phát hiện 11.790 vụ, giảm 3.697 vụ (tương ứng giảm 24%) so với cùng kỳ năm ngoái; diện tích rừng bị thiệt hại là 808 ha, giảm 597 ha (giảm 42%). Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ, trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai. Bình quân hàng năm cả nước trồng khoảng 230.000 ha rừng tập trung; trong đó 90% là rừng sản xuất. Đến tháng 11/2018, cả nước đã trồng gần 203.000 ha, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 95% so với kế hoạch.
Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ, trồng rừng tiếp tục được các địa phương tích cực triển khai. |
Nâng cao năng suất lao động nghề rừng
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, năng suất rừng trồng tiếp tục được cải thiện, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã đạt trên 231.000 ha. Thu nhập, đời sống của người dân từng bước được tăng lên, nhiều hộ gia đình có thu nhập tăng cao từ rừng trồng, có hộ thu nhập từ 150-250 triệu đồng/ha rừng trồng sau 6 đến 10 năm, nên có thể làm giàu từ trồng rừng. Bên cạnh đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là thành công lớn của quá trình tái cơ cấu lâm nghiệp, huy động hiệu quả, bền vững các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp. Đến 20/11/2018 cả nước đã thu được trên 2.800 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, tăng 21% so với kế hoạch và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2017.
Với Hiệp định VPA-FLEGT, ngành sẽ thể chế hóa các cam kết, nâng cao năng lực cho các bên liên quan để thực thi hiệu quả Hiệp định. Đặc biệt là thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định cho cộng đồng các doanh nghiệp và các hộ gia đình trồng rừng cũng như toàn xã hội.
Thương mại gỗ, đồ gỗ trong nước và trên thế giới tăng trưởng mạnh. Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 thế giới và số 1 châu Á trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản. Năm 2018, dự kiến xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 9,3 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn tồn tại tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất; khai thác trái phép rừng để lấy lâm sản, nhất là gỗ quý hiếm; vẫn còn những điểm nóng về phá rừng tự nhiên gây dư luận không tốt trong xã hội. Độ che phủ rừng có tăng nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên còn thấp. Giá trị thu nhập rừng trồng phổ biến dưới 10 triệu đồng/ha/năm, đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỉ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của nông dân miền núi.
Quy mô sản xuất lâm nghiệp phổ biến còn nhỏ, manh mún; tổ chức liên kết theo chuỗi chưa nhiều, mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và thị trường chưa chặt chẽ… nên giá trị gia tăng của ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, để nâng cao năng suất lao động nghề rừng tạo sức mạnh bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện quyết liệt đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp bằng các giải pháp như: Ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển giống cây trồng có năng suất cao; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ nguyên liệu và sản phẩm qua chế biến. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng thông qua thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh cải cách hành chính và truyền thông lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành lĩnh vực lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()