Bước tiến mới trong quan hệ Mỹ - Cu-ba
Vòng đàm phán bình thường hóa quan hệ lần thứ hai giữa Mỹ và Cu-ba vừa kết thúc với khả năng mở lại đại sứ quán ở mỗi nước trước thềm Hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ diễn ra vào tháng 4 tới. Một lần nữa, bước tiến tích cực này được kỳ vọng sẽ tạo môi trường thuận lợi hơn cho chặng đường tái thiết quan hệ song phương giữa hai "cựu thù", thu hẹp dần "hố sâu" cấm vận ngăn cách Mỹ và Cu-ba suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Kể từ sau quyết định lịch sử nhằm bình thường hóa quan hệ tháng 12-2014, chính quyền Mỹ và Cu-ba đã có nhiều động thái tích cực “sưởi ấm” quan hệ “lạnh giá” giữa hai nước kể từ Chiến tranh lạnh. Đến cuối tháng 2-2015, Oa-sinh-tơn đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm giảm mức độ của lệnh cấm vận thương mại đối với La Ha-ba-na, mở đường cho các doanh nghiệp Cu-ba xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Mỹ. Việc nới lỏng lệnh cấm đi lại đối với công dân hai nước cũng tạo điều kiện cho “xứ cờ hoa” tiếp cận cơ hội kết nối thương mại với một thị trường nhiều tiềm năng chỉ cách Mỹ khoảng 90 hải lý. Bên cạnh đó, hai nước cũng thể hiện quyết tâm qua việc đối thoại thường xuyên và thực chất, nhằm đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ. Những bước đi tích cực này đã nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Nếu vòng đàm phán đầu diễn ra cách đây hơn một tháng chỉ mang tính chất khởi động và đánh giá mức độ quan hệ, thì cuộc gặp kéo dài sáu giờ giữa đại diện phái đoàn ngoại giao Mỹ và Cu-ba tại Oasinh-tơn lần này đã có những bước tiến sâu hơn khi đưa những trở ngại chính trên con đường khôi phục toàn diện quan hệ song phương ra thảo luận. Trọng tâm cuộc đàm phán lần này xoay quanh việc xem xét mở lại đại sứ quán tại thủ đô hai nước và thuyết phục Mỹ gỡ tên Cu-ba khỏi danh sách “đen” mà Oa-sinh-tơn gọi là “các quốc gia hậu thuẫn khủng bố”.
Các chuyên gia nhận định, đây là hai vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian bàn thảo giữa hai chính phủ và là bài toán hóc búa không dễ tìm lời giải trong một sớm một chiều. Bộ Ngoại giao Cu-ba nêu rõ, tiến độ thúc đẩy quan hệ song phương phụ thuộc hành động của Mỹ và rằng, sẽ là mâu thuẫn nếu La Ha-ba-na khôi phục quan hệ ngoại giao với Oa-sinh-tơn mà vẫn nằm trong danh sách “đen”.
Diễn ra trong bầu không khí của “tinh thần hợp tác và sự khích lệ”, như lời phát biểu của Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ R.Gia-cốpxơn, vòng đàm phán cải thiện quan hệ song phương giữa Mỹ và Cu-ba lần này đã cho thấy “những tiến triển đầy lạc quan”. Bà Gia-cốp-xơn tin tưởng mạnh mẽ rằng, hai “cựu thù” trước đây có thể mở các đại sứ quán chính thức tại thủ đô mỗi nước trước khi Hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ diễn ra vào trung tuần tháng 4 tới tại Pa-na-ma, nơi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Chủ tịch Cu-ba R.Caxtơ-rô có thể gặp nhau lần đầu kể từ sau tuyên bố lịch sử bình thường hóa quan hệ ngày 17-12-2014. Về phần mình, Cu-ba tiếp tục hối thúc Nhà trắng đẩy nhanh tiến trình loại tên “Hòn đảo tự do” ra khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố, đồng thời thiết lập các nghị định thư về mở lại tài khoản ngân hàng cho các nhà ngoại giao hai nước, do ảnh hưởng của việc “đóng băng” quan hệ thương mại kéo dài quá lâu.
Mối quan hệ “sóng gió” giữa Mỹ và Cu-ba từ lâu đã là tâm điểm trong quan hệ quốc tế, không chỉ bởi hai quốc gia có nhiều ràng buộc về mặt lịch sử mà còn bởi lệnh cấm vận hà khắc suốt hơn nửa thế kỷ mà Chính phủ và nhân dân Cu-ba phải gánh chịu. Tuy nhiên, với những nỗ lực hàn gắn đầy thiện chí, mối quan hệ từng một thời đối đầu căng thẳng nay như được thổi “luồng gió mới”. Trong khuôn khổ vòng đàm phán, hai bên nhất trí khởi động một loạt cuộc gặp cấp thấp hơn, nhằm thảo luận vấn đề quản lý hàng không dân dụng, nạn buôn người và nhân quyền. Bên cạnh đó, một phái đoàn quan chức Mỹ sẽ đến Cu-ba vào cuối tháng 3 tới, với mục đích tìm hiểu và giúp “quốc đảo Ca-ri-bê” xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông.
Dù thời điểm diễn ra vòng đàm phán tiếp theo chưa được ấn định, song Mỹ và Cu-ba cho biết, sẽ duy trì liên lạc và có thêm những tiến triển lạc quan trong thời gian tới. Có thể thấy, bức tranh quan hệ song phương từng nhuốm màu ảm đạm giữa Mỹ và Cu-ba nay đã được chấm phá bằng gam màu tươi sáng, thể hiện rõ ràng thông điệp hòa bình là xu thế tất yếu để hướng tới một thế giới đoàn kết và thịnh vượng hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()