Bước tiến mới trong điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm.
Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Cơ sở điều trị Methadone Lê Chân, Hải Phòng. (Ảnh: T.G/Vietnam )
Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay, cả nước có hơn 52.000 người bệnh đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh/thành phố.
Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh – Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết độ bảo phủ của chương trình điều trị Methadone đã đạt tới 28% tổng số người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 80%). Tuy nhiên, vấn đề cấp phát thuốc cho người bệnh vẫn còn nhiều điều cần thay đổi cho phù hợp.
Bước tiến mới
Nghiện ma túy nói chung và nghiện các loại thuốc phiện nói riêng hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỷ lệ tái nghiện trên 90%.
Trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang được coi là giải pháp ưu việt nhất, đã được triển khai từ năm 1965 và mở rộng ra trên 80 quốc gia.
Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh nhấn mạnh sau hơn 12 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng đã bộc lộ một số hạn chế, đó là tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp cũng như tuân thủ điều trị rất khác nhau giữa các khu vực, tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị khá cao.
Vì vậy, Bộ Y tế có chủ trương cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về điều trị. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới ở Việt Nam nên việc triển khai cần đảm bảo sự an toàn về sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng, do vậy cần thiết phải triển khai thí điểm.
Chính vì vậy, sau một thời gian dài tích cực chuẩn bị kể cả về khung pháp lý, hướng dẫn chuyên môn và được phép của Bộ Y tế, ngày 5/4, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế thành phố Hải Phòng tổ chức sự kiện “khởi động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện” tại thành phố Hải Phòng.
Cùng với Hải Phòng, trên cả nước có 2 tỉnh khác là Lai Châu và Điện Biên cũng chính thức được lựa chọn khởi động và bắt đầu cấp thuốc cho người bệnh mang về cùng thời điểm.
Tiến sỹ Phan Huy Thục – Phó giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, cho hay hiện nay tại thành phố đang quản lý hồ sơ của gần 6.000 người có HIV/AIDS – đây là những người tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Năm 2008, tại thành phố Hải Phòng đã bắt đầu triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Methadone – Tiêu chuẩn vàng trong điều trị
Theo phó giáo sư Phạm Đức Mạnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ điều trị là do người bệnh không đủ kiên trì khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm.
Một số người bỏ điều trị do đặc thù công việc như là công nhân nên không có thời gian đi uống thuốc hàng ngày trong giờ hành chính. Những người làm nghề như lái xe, ngư dân phải đi làm việc xa nhà thường xuyên không thể đến uống thuốc hàng ngày hoặc một số người bệnh không thể tuân thủ điều trị do phải đi công tác, du lịch hoặc có việc đột xuất…
Để giảm vấn đề bỏ điều trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà.
Anh Đặng Như Tuấn – một người đang điều trị Methadone tại Hải Phòng tâm sự: “Với tôi, Trung tâm điều trị Methadone như là ngôi nhà thứ 2 đã sinh ra tôi lần nữa. Chương trình là chiếc phao cứu sinh giúp tôi thoát khỏi cảnh nghiện ngập ma túy, giúp tôi có được sức khoẻ ổn định để tự tin với cuộc sống. Từ khi từ giã với ma tuý, với khói thuốc qua chương trình điều trị Methadone, tôi đã có công ăn việc làm ổn định.”
Anh Đặng Như Tuấn khẳng định mình sẽ gắn bó với Methadone lâu dài, thậm chí trọn đời. Trong đợt này, anh Tuấn là một trong những bệnh nhân được cấp phát thuốc tại nhà nhiều ngày và cam kết sẽ thực hiện tốt, cam kết thực hiện những ích lợi của chương trình.
Phó giáo sư Phạm Đức Mạnh phân tích việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone.
Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về cũng rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như COVID 19 – ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.
Cho đến nay, Methadone vẫn được các Tổ chức quốc tế coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Điều trị bằng thuốc Methadone đã được chứng minh rất hiệu quả, giúp người bệnh giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, cải thiện về sức khỏe, giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu, nâng cao thể lực, phục hồi về thể chất và tâm thần). Đây cũng là biện pháp giúp cải thiện về an ninh, trật tự xã hội, đem lại hiệu quả về kinh tế cho người bệnh, gia đình và cộng đồng.
Đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện, Bộ Y tế khuyến cáo cần kiên trì tham gia điều trị lâu dài bằng Methadone, phấn đấu để đủ điều kiện tham gia chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Với những người đã được tham gia chương trình cấp thuốc nhiều ngày, cần tiếp tục tuân thủ điều trị cũng như các quy định của ngành y tế để tham gia chương trình lâu dài.
Chương trình khởi động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS), Quỹ Toàn cầu, Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR)…
Các tổ chức trên đã hỗ trợ Bộ Y tế trong việc đưa Methadone vào Việt Nam và triển khai đề án thí điểm này./.
Ý kiến ()