Bước tiến mới của võ tổng hợp tại Việt Nam
Môn võ tổng hợp (MMA) đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực, châu lục và thế giới. Tại Việt Nam, phong trào tập luyện, thi đấu MMA cũng đang được mở rộng với vị thế ngày càng vững chắc.
Nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin… đều đã có liên đoàn MMA để hệ thống, đào tạo, định hướng phát triển và góp phần quản lý hoạt động hiệu quả. Tại Việt Nam, số lượng những người yêu thích và cổ động cho MMA đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 50 câu lạc bộ MMA, nổi bật như Dragon MMA Hà Nội, Saigon Sport Club với cơ sở vật chất hiện đại và số người tham gia tập luyện đông đảo, tính trung bình lên tới hơn 5.000 lượt người/ngày. MMA thi đấu theo hạng cân cho nên thể chất của người Việt Nam không bị xem là bất lợi. Một số võ sĩ Việt kiều tiêu biểu như Cung Lê (vô địch Strike Force), Martin Nguyễn (vô địch hai hạng cân của One Championship), Ben Nguyễn (UFC) cùng nhiều võ sĩ trong nước đã đứng trong 10 vị trí đầu trên bảng xếp hạng các tay đấm hạng lông châu Á. Gần đây, võ sĩ Trần Quang Lộc người được mệnh danh là “Quái vật da nâu” đã gây được tiếng vang lớn ngay trong lần xuất hiện MMA chuyên nghiệp đầu tiên, giành hai trận thắng tại Warriors For Charity (Ma-lai-xi-a) và trở thành nhà vô địch hạng lông (66 kg).
Trước đây, hoạt động của các câu lạc bộ MMA gặp phải nhiều khó khăn, nhất là về mặt pháp lý và tổ chức. Chính điều này đã thôi thúc sự ra đời của một tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện là Liên đoàn MMA Việt Nam. Việc Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF) vừa được thành lập sẽ thu hút, quy tụ được những người tập luyện, tham gia hoạt động MMA tại Việt Nam theo đúng khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, MMA cũng mang lại cho cộng đồng mà nhất là giới trẻ những lợi ích về sức khỏe, đạo đức, tinh thần thượng võ, phát huy tinh thần ý chí người Việt. Liên đoàn được thành lập còn giúp định hướng và kêu gọi nguồn lực, tổ chức thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển thể thao và định hướng cho các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành các giải đấu MMA theo đúng pháp luật.
Sau đại hội thành lập vào tháng 6 vừa qua, Liên đoàn MMA Việt Nam đã ban hành hệ thống luật thi đấu, phát triển lực lượng huấn luyện viên, trọng tài, chú trọng bồi dưỡng về kỹ thuật để những người tập luyện tham gia thi đấu có thể học tập, phát triển theo đúng luật và kỹ thuật quy định. Liên đoàn đã có kế hoạch tổ chức những giải thi đấu trong nước, giao lưu thi đấu quốc tế. Đồng thời, xúc tiến xây dựng lộ trình phát triển bộ môn từng bước một cách khoa học, giúp phát triển phong trào đúng hướng và hiệu quả. Sự ra đời của Liên đoàn MMA Việt Nam tạo điều kiện để người tập luyện, thi đấu MMA cũng như các câu lạc bộ được thừa nhận chính thức trong hệ thống thể thao Việt Nam và được phép tổ chức các giải đấu theo luật định, góp phần thực hiện xã hội hóa các hoạt động thể thao, giúp mang lại nguồn thu lớn, nhất là từ việc bán bản quyền truyền hình để tái đầu tư cho thể thao. Năm 2019, khi sự kiện ONE Championship tổ chức giải thi đấu bốc-xinh và kích-bốc với 13 trận đấu tại TP Hồ Chí Minh, có võ sĩ MMA Nguyễn Trần Duy Nhất thi đấu, đã được truyền hình trực tiếp tới 113 quốc gia trên khắp thế giới, với 2,2 tỷ lượt người xem. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều bị giãn cách vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc khống chế tốt đại dịch giúp MMA nói riêng và các vận động viên Việt Nam nói chung có được sự chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu lớn.
Ý kiến ()