Bước tiến mới của Hapro
Vượt qua những khó khăn, sự cạnh tranh gay gắt của cơ chế thị trường, thời gian gần đây, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có nhiều nỗ lực, chuyển biến về đầu tư mạng lưới hạ tầng thương mại, kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại. Nhờ đó, đơn vị thể hiện vai trò chủ đạo của thương mại quốc doanh trên địa bàn Hà Nội.Thay đổi diện mạo và chất lượng dịch vụLà doanh nghiệp thương mại kinh doanh đa ngành, trong đó có ba lĩnh vực chính là xuất nhập khẩu, thương mại nội địa và hạ tầng thương mại, nhưng trong nhiều năm qua, Hapro vẫn chỉ được ghi nhận là doanh nghiệp có thế mạnh về kinh doanh xuất nhập khẩu, hai lĩnh vực còn lại vẫn còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo của Hapro thừa nhận: Đã có thời điểm, kinh doanh nội địa là khâu yếu nhất của đơn vị. Hệ thống phân phối gồm nhiều điểm có diện tích nhỏ, sau nhiều năm sử dụng bị xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại hiện đại. Trình độ của cán bộ quản lý...
Thay đổi diện mạo và chất lượng dịch vụ
Là doanh nghiệp thương mại kinh doanh đa ngành, trong đó có ba lĩnh vực chính là xuất nhập khẩu, thương mại nội địa và hạ tầng thương mại, nhưng trong nhiều năm qua, Hapro vẫn chỉ được ghi nhận là doanh nghiệp có thế mạnh về kinh doanh xuất nhập khẩu, hai lĩnh vực còn lại vẫn còn nhiều hạn chế. Lãnh đạo của Hapro thừa nhận: Đã có thời điểm, kinh doanh nội địa là khâu yếu nhất của đơn vị. Hệ thống phân phối gồm nhiều điểm có diện tích nhỏ, sau nhiều năm sử dụng bị xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu về văn minh thương mại hiện đại. Trình độ của cán bộ quản lý và nhân viên còn hạn chế, chậm thích nghi với cơ chế mới. Thị phần của thương nghiệp quốc doanh ngày càng bị thu hẹp, không cạnh tranh nổi với các thành phần kinh tế khác, không thực hiện được vai trò điều tiết thị trường trong những thời điểm căng thẳng về cung cầu…
Bước sang thời kỳ hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường bán lẻ, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng gay gắt. Thực tế này đòi hỏi đơn vị phải tự đổi mới để giữ vững và từng bước mở rộng thị phần, thực hiện vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chủ tịch HĐQT Hapro Nguyễn Hữu Thắng cho biết: Thời điểm năm 2009 vừa có khó khăn, vừa có cơ hội cho đơn vị, kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của đơn vị, nhưng địa giới hành chính của Thủ đô mới được mở rộng, là cơ hội mở rộng kinh doanh. Tổng công ty tập trung đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh nội địa, nhất là tăng cường bán lẻ tại thị trường trong nước, nhất là thị trường ngoại thành Hà Nội. Các giải pháp để gây dựng thương hiệu được thực hiện bài bản và đúng định hướng. Đầu tiên, đơn vị triển khai mở chuỗi các siêu thị, cửa hàng tiện tích mang thương hiệu Hapromart hướng tới phục vụ các khách hàng là cán bộ, viên chức, người dân thường, thu nhập trung bình, chiếm số đông trong xã hội. Các cửa hàng bách hóa nhỏ, lẻ được cải tạo, bố trí hàng hóa là các sản phẩm phục vụ bữa ăn, sinh hoạt hằng ngày của người dân, bảo đảm chất lượng, có thương hiệu, phù hợp túi tiền của người lao động. Quá trình tạo dựng thương hiệu Hapromart cũng là cơ hội cho các đơn vị thành viên của Hapro củng cố chiến lược kinh doanh của mình. Trong số các mặt hàng được bày bán trong hệ thống Hapromart, các sản phẩm của các đơn vị thành viên chiếm 10% tổng số các mặt hàng. Đó là các sản phẩm thực phẩm chế biến, rau, củ, quả đóng hộp, rượu, trà của Hapro, rượu vang Thăng Long, thực phẩm chế biến của Công ty Thực phẩm Hà Nội, các loại kem và nước tinh khiết của Công ty Thủy Tạ, quần áo của Hafasco… Đến nay, đơn vị phát triển được 32 cửa hàng, siêu thị Hapromart. So hệ thống thương nghiệp quốc doanh cũ, hệ thống Hapromart là sự thay đổi lớn, từ diện mạo đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều khách hàng nhận xét: So các cửa hàng bách hóa trước đây, cửa hàng mới đẹp hơn, hàng hóa phong phú hơn, phục vụ văn minh hơn. Doanh thu bán hàng của các đơn vị vì thế cũng tăng đáng kể. Đồng chí Nguyễn Văn Định, Phó Giám đốc siêu thị số 2 Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm) cho biết: Từ khi kinh doanh siêu thị, doanh thu của đơn vị tăng bình quân 30%/năm.
Những thành công của mô hình Hapromart là tiền đề để tổng công ty tiếp tục có những bước đi mới vững chắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân về thực phẩm an toàn, đồng thời nhằm khai thác hiệu quả hệ thống các điểm bán hàng nhỏ, lẻ nằm trong các khu dân cư. Cuối năm 2010, tổng công ty chính thức khai trương chuỗi cửa hàng bán rau và thực phẩm an toàn mang thương hiệu Haprofood tại 30 điểm trên địa bàn Hà Nội. Các sản phẩm được bán tại các cửa hàng của Hapro là các loại rau, củ, quả, hoa quả tươi, các loại thịt gia súc, gia cầm tươi sống, thực phẩm đông lạnh và thực phẩm công nghệ bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để có nguồn hàng ổn định, bảo đảm an toàn, đơn vị đầu tư xây dựng các vùng cung cấp nguyên liệu tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm (Hà Nội) và tại Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vĩnh Phúc; xây dựng Khu liên hiệp chế biến rau, củ, quả an toàn tại thị trấn Đông Anh… Đây là bước triển khai đầu tiên của Đề án xây dựng mạng lưới kinh doanh rau, thực phẩm an toàn của Hapro với tổng mức đầu tư 369 tỷ đồng. Hoạt động của mô hình Haprofood không chỉ định hướng cho xu hướng tiêu dùng mới, văn minh, mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc trong quản lý đô thị… Tại nhiều khu dân cư, sau khi cửa hàng thực phẩm an toàn Haprofood đi vào hoạt động, các chợ cóc, hàng rong tự giải tán vì không cạnh tranh được. Sau khi phát triển ở thị trường Thủ đô, hai năm qua, đơn vị còn vươn ra mở rộng thị trường tại các tỉnh lân cận, đầu tư xây dựng và kinh doanh các trung tâm mua sắm lớn tại các tỉnh Thái Bình, Cao Bằng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh…
Làm tốt chương trình bình ổn giá và đưa hàng về nông thôn
Thực hiện chủ trương kích cầu tiêu dùng và cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', từ cuối năm 2009 đến nay, tổng công ty và các đơn vị thành viên tổ chức nhiều chuyến bán hàng tại các huyện ngoại thành, chính thức đánh dấu sự quay trở lại của doanh nghiệp thương mại quốc doanh lớn với thị trường nông thôn – thị trường rộng lớn mà lâu nay bị quên lãng. Chúng tôi đã có một vài lần 'bám' theo xe của Hapro đưa hàng hóa về bán tại các huyện nghèo mới sáp nhập về Thủ đô. Phần lớn hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày của người dân như thực phẩm công nghệ, đồ dùng gia đình, thời trang… Tất cả các mặt hàng đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, giảm giá từ 5 đến 10%, nhiều sản phẩm có quà tặng đính kèm. Các mặt hàng như dầu ăn, bột giặt, mì ăn liền bán rất chạy. Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội đánh giá: chương trình đưa hàng về các xã ngoại thành là khá thành công và thu được nhiều lợi ích. Người tiêu dùng có cơ hội mua sắm hàng hóa chất lượng bảo đảm, giá hợp lý, trong khi doanh nghiệp tăng cường tiêu thụ sản phẩm, quay vòng vốn, qua đó tiếp tục đầu tư duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng.
Về phía doanh nghiệp, chuyến đi thực tế này là dịp để đơn vị thay đổi định hướng kinh doanh của mình. Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội Mai Thị Liên cho biết: Các chuyến bán hàng lưu động tuy vất vả, nhưng sức mua lớn, vượt dự kiến. Doanh số bán hàng tăng dần sau mỗi chuyến đi. Đợt Tết Tân Mão vừa qua, doanh thu phiên chợ Tết tại huyện Thạch Thất trong vòng năm ngày đạt hơn một tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ thị trường nông thôn là thị trường khá hấp dẫn, sức mua lớn, lâu nay bị các đơn vị quên lãng.
Là một trong những đơn vị chủ lực của thương mại thành phố, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, Hapro còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần giữ ổn định thị trường trong những thời điểm nhạy cảm, căng thẳng về cung cầu. Hơn một năm qua, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường có nhiều biến động, nhưng thực hiện sự chỉ đạo của TP Hà Nội, đơn vị dự trữ và bán chín mặt hàng thiết yếu thấp hơn giá thị trường tự do từ 5% đến 10%, sử dụng nguồn vốn bình ổn giá hiệu quả. Không chỉ tập trung bán hàng tại các mạng lưới hiện có, đơn vị còn tổ chức hàng trăm điểm bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn giá đến nơi tập trung đông người lao động như các khu công nghiệp, khu chung cư, chợ dân sinh… Nhờ đó, thương hiệu Hapro dần chiếm được tình cảm và sự tin cậy của nhân dân Thủ đô. Vị thế và uy tín của tổng công ty ngày càng được khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, đơn vị vẫn còn những yếu kém cần khắc phục. Đó là mức tăng trưởng về doanh số hằng năm chưa tương xứng với khả năng hiện có. Hệ thống mạng lưới gồm nhiều vị trí kinh doanh rất đắc địa, tuy đã có sự đầu tư đổi mới, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Đơn vị chưa phát huy hết nguồn lực sẵn có của mình như lợi thế quy mô doanh nghiệp, nguồn lực con người, nguồn khách hàng. Công tác quản trị phát triển thương hiệu, công tác bán hàng chưa thật chuyên nghiệp… Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, tổng công ty cần tập trung lãnh đạo để định hướng phát triển phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô, chú trọng đổi mới tư duy kinh tế; phát triển nguồn nhân lực để có được đội ngũ cán bộ giỏi, tính chuyên nghiệp cao; tổ chức cơ cấu lại hệ thống bán lẻ ở các địa điểm có ưu thế; phát triển thị trường nông thôn; xây dựng vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, rau an toàn để cung cấp thị trường Thủ đô, trở thành một tổng công ty mạnh, có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng vai trò chủ đạo trong phân phối, lưu thông hàng hóa và góp phần bình ổn giá, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()