Bước tiến mới của các nhà trường và địa phương
Đồ dùng dạy học tự làm của giáo viên Trrường THPT Cao Lộc |
Hai năm tăng trên 1.000 đảng viên
Mặc dù phải “san sẻ” đội ngũ cán bộ giáo viên, đảng viên về Trường THPT Ba Sơn, song đến hết học kỳ I năm học 2016-2017, số đảng viên của Trường THPT Cao Lộc vẫn có 62 người, đạt tỷ lệ 52,5% so với tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên; đảm bảo đủ cơ cấu trong tổ chức chính quyền, các đoàn thể, các tổ chuyên môn và các bộ phận khác. Đối với Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, hằng năm đều có đảng viên là cán bộ nhà giáo được nghỉ hưu theo chế độ khiến cho số lượng đảng viên giảm. Thế nhưng, theo chỉ tiêu mà nghị quyết của Chi bộ đề ra, mỗi năm nhà trường đã kết nạp được từ 1 đến 2 đảng viên mới, giữ vững tỷ lệ đảng viên so với tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Theo số liệu của ngành GD&ĐT, học kỳ I năm học 2014-2015, toàn ngành có 729 đơn vị trường với 21.507 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó có 8.798 đảng viên, đạt tỷ lệ 40,86%; đến học kỳ I năm học 2016-2017 với 743 đơn vị trường và 22.036 cán bộ giáo viên, nhân viên, số lượng đảng viên đã là 9.854 người, đạt tỷ lệ 44,7%. Như vậy, chỉ trong 2 năm, toàn ngành chỉ tăng 14 đơn vị trường, 529 cán bộ giáo viên, nhân viên nhưng số đảng viên đã tăng 1.056 người. Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Nguyên nhân tăng một mặt là do tăng thêm số trường đòi hỏi phải có được đội ngũ cán bộ là đảng viên để làm nòng cốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; mặt khác do hoạt động mạnh và đều của công đoàn, đoàn thanh niên các nhà trường tăng cường giới thiệu đội ngũ trẻ nhiệt huyết cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp. Nhưng quan trọng hơn là các đảng bộ địa phương quan tâm hơn đến công tác phát triển đảng trong nhà trường, coi đó là một trong những nhân tố mới làm tăng hàm lượng tri thức trong Đảng bộ để lãnh đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đồng đều hơn giữa các cấp học
Để thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi, giai đoạn 2011-2014, khi các trường mầm non được thành lập mới với số lượng nhiều, đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên còn thiếu thì công tác đảng trong cấp học này chưa theo kịp với sự phát triển về quy mô trường, lớp. Từ năm 2015, khi các trường đã khá ổn định, đội ngũ giáo viên, nhân viên được bổ sung một cách đầy đủ cho các vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức thì các trường có điều kiện hơn để củng cố đội ngũ về chất lượng, nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng và từ đó nguồn kết nạp đảng cũng dồi dào và có chất lượng hơn. Nếu tỷ lệ đảng viên cấp học mầm non học kỳ I năm học 2014-2015 là 22,7% thì học kỳ I năm học này đã đạt 30,8%. Cô giáo Ngô Thị Bình Yên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chi Lăng cho biết: Quan tâm đến chất lượng GDMN trước hết phải quan tâm đến chất lượng đội ngũ, lòng yêu nghề, mến trẻ, sự nhiệt tình của cán bộ giáo viên. Sự quan tâm ấy phải được biểu hiện cụ thể bằng việc tạo cơ hội cho họ rèn luyện, phấn đấu và kết nạp họ vào Đảng. Với quan điểm ấy, công tác phát triển đảng trong các trường mầm non ở Chi Lăng đã được đẩy mạnh. Nếu cách đây 2 năm, tỷ lệ đảng viên của các trường mầm non mới đạt gần 30% thì năm nay đã là 35,5% so với đội ngũ cán bộ giáo viên. Toàn huyện đã có 24 chi bộ/24 trường mầm non, xóa tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép trong tất cả 74 đơn vị trường, trong đó có 24 trường mầm non.
Đối với các cấp học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường chuyên nghiệp, tỷ lệ đảng viên vẫn có sự gia tăng từ 1-2% mỗi năm và hiện ở mức từ 45-48%; trong đó có những trường như: THPT Cao Lộc, chuyên Chu Văn An, THPT Chi Lăng… có tỷ lệ đảng viên cao hơn tỷ lệ chung toàn tỉnh. Đối với các phòng GD&ĐT, việc phát triển đảng viên tại các nhà trường phụ thuộc vào sự quan tâm của cấp ủy các địa phương. Vì vậy vẫn có sự chênh lệch giữa các huyện, thành phố. Nếu tỷ lệ đảng viên của ngành GD&ĐT huyện Văn Quan đạt 53,8%, ngành GD&ĐT thành phố đạt 50,8% – cao hơn tỷ lệ chung, thì vẫn còn những địa phương có tỷ lệ đảng viên so với tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên còn khiêm tốn như: ngành GD&ĐT Hữu Lũng 38,1%, ngành GD&ĐT huyện Đình Lập 39,5%…
Một trong những nguyên nhân có sự chênh lệch về tỷ lệ đảng viên giữa các cấp học là do cấp học mầm non và cấp tiểu học có số lượng nhân viên hợp đồng đông (bảo vệ, cấp dưỡng, giáo viên hợp đồng theo năm học…) cao. Do tính chất đặc thù của việc làm nên họ ít có điều kiện và nguyện vọng phấn đấu; mặt khác, địa phương, chi bộ nhà trường cũng ít quan tâm theo dõi, giúp đỡ họ để họ được giới thiệu, bồi dưỡng kết nạp Đảng.
Ý kiến ()