Bước tiến mạnh trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính
LSO- Từ cuối năm 2017 đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại các cơ quan, đơn vị hành chính ở tỉnh Lạng Sơn được đẩy mạnh. Qua đây góp phần tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công ứng dụng CNTT
tiếp nhận hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế
Tăng cường hạ tầng công nghệ
Nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện TTHC, từ năm 2012, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC. Tuy nhiên vì đầu tư trang bị hạ tầng không đồng bộ, người dân chưa mặn mà dẫn đến việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC chưa đem lại hiệu quả cao. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC, từ cuối năm 2017 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh là đầu tư đồng bộ về hạ tầng và đưa vào ứng dụng hiệu quả trang thiết bị CNTT vào giải quyết TTHC, Sở TT&TT đã xem xét, nghiên cứu hạ tầng CNTT phù hợp yêu cầu giải quyết TTHC trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ. Việc đầu tư, lắp đặt được xem xét, ưu tiên những đơn vị đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất và có nhiều hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết.
Theo đó, từ cuối năm 2017 đến nay, 28 cơ quan đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp huyện được triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và một cửa điện tử. Hiện tại, hệ thống đã hoạt động và được tích hợp trên cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin điện tử thành viên và 100% đơn vị được lắp đặt đã đưa hệ thống vào hoạt động. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị hành chính cũng quan tâm nâng cấp hạ tầng CNTT khác để song song phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành với giải quyết TTHC. Đến nay, 100% bộ phận một cửa từ cấp tỉnh đến cấp xã có kết nối Internet và mạng LAN để chuyển gửi thông tin, dữ liệu hồ sơ TTHC qua mạng.
Người dân ứng dụng CNTT lấy số tự động thực hiện TTHC
tại Trung tâm Phục vụ hành chính công
Giải quyết thủ tục hành chính qua mạng
Hiện tại cổng thông tin điện tử của tỉnh đã cung cấp gần 3.000 DVCTT mức độ 2, 3, 4. Nhờ được tuyên truyền, nhiều tổ chức, cá nhân đã biết và nộp hồ sơ qua đây. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 44.000 hồ sơ TTHC ở tất cả các lĩnh vực được tiếp nhận, giải quyết trên hệ thống này. Ông Đinh Trọng Khánh, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng cho biết: “Mới đây, tôi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Nhờ hệ thống DVCTT và một cửa điện tử, tôi chỉ việc ngồi ở nhà sử dụng máy tính đăng nhập hệ thống, lựa chọn dịch vụ và có thể nộp hồ sơ trực tuyến thay vì nộp hồ sơ giấy lên UBND huyện. Trong thời gian chờ kết quả, tôi có thể tra cứu được tình trạng giải quyết hồ sơ, biết được có hay chưa có kết quả để đến nhận”.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Nhờ ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào giải quyết TTHC mà từ khi triển khai đến nay, tỷ lệ hồ sơ được trả kết quả đúng và trước hạn ngày càng tăng, đồng nghĩa với đó, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả chậm hẹn ngày càng giảm. Đơn cử 5 tháng đầu năm 2019, các cơ quan, đơn vị hành chính toàn tỉnh đã trả kết quả 8.784 hồ sơ qua DVCTT và một cửa điện tử thì trong số đó có 8.160 hồ sơ được trả trước và đúng hạn, chiếm 93%, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái; 624 hồ sơ trả quá hạn, chiếm 7%, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để tổ chức, cá nhân thuận lợi hơn nữa khi thực hiện TTHC, thời gian tới các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh tiếp tục phối hợp nghiên cứu hoàn thiện một số tiện ích của các hệ thống, phần mềm giải quyết TTHC. UBND tỉnh cũng vừa đồng ý chủ trương triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm Zalo kết nối liên thông với cổng DVCTT và một cửa điện tử vào giải quyết TTHC, dự kiến phần mềm sẽ được triển khai thí điểm trong tháng 6 năm nay.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()